.

Tiền Giang: Bàn giải pháp phòng trị sâu đầu đen trên cây dừa

Cập nhật: 14:55, 18/09/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 18-9, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn chủ trì cuộc họp bàn giải pháp phòng trị sâu đầu đen trên cây dừa.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại buổi họp.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại buổi họp.
 
Tại cuộc họp, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men trình bày diễn biến, tình hình bệnh sâu đầu đen trên cây dừa. Đồng thời, nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong phòng trị sâu bệnh đầu đen thời gian qua, cũng như những giải pháp trong thời gian tới. 
 
Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích dừa là 22.400 ha, ước sản lượng l246.600 tấn/năm. Cây dừa được phân bố từ huyện Cái Bè đến huyện Tân Phú Đông. Trong đó, diện tích dừa tập trung chủ yếu tại các huyện: Chợ Gạo (7.700 ha), Châu Thành (5.000 ha), Tân Phú Đông (2.700 ha), Gò Công Tây (2.500 ha), TP. Mỹ Tho (1.700 ha)... Dừa được trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay là dừa uống nước (60,6%) và dừa lấy dầu (39,4%).
 
Đồng chí Cao Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo phát biểu tại buổi họp.
Đồng chí Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo phát biểu tại cuộc họp.
 
Hiện diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 279,283 ha (trong đó huyện Chợ Gạo 245,61 ha, Tân Phú Đông 33,1 ha, Gò Công Tây 0,673 ha), tăng 242,123 ha so với năm 2023.

Trong thời gian qua, Chi Cục TT&BVTV đã phối hợp với các Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa cho các địa phương. Ngành Nông nghiệp còn khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền qua hệ thống loa của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện, xã cho người dân trên địa bàn được biết và phòng trừ sâu đầu đen.

Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, phát tờ rơi cho người dân về quy trình phòng, chống sâu đầu đen hại dừa. Một trong những giải pháp quan trọng là vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi; áp dụng biện pháp phòng trừ kịp thời, rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…

Tiến Sĩ Trần Tấn Việt hướng dẫn các giải phải phòng, trị sâu đầu đen.
Tiến Sĩ Trần Tấn Việt hướng dẫn các giải phải phòng, trị sâu đầu đen trên cây dừa.

Tại cuộc họp, Tiến sĩ Trần Tấn Việt, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh trình bày các giải pháp để phòng trị sâu đầu đen trên cây dừa. Trong đó, có giải pháp sử dụng các loại thuốc sinh học để phun xịt, kết hợp với treo bẫy đèn và các côn trùng thiên địch của sâu đầu đen như ong mắt đỏ… Tiến sĩ Trần Tấn Việt còn giải đáp nhiều câu hỏi về các biện pháp phòng trị sâu đầu đen…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, UBND các huyện hết sức quan tâm (đặc biệt là huyện Chợ Gạo), xác định việc phòng trị bệnh sâu đầu đen trên cây dừa là quan trọng, không để lây lan ra diện rộng. Các địa phương phải quyết tâm khống chế và dập dịch sâu đầu đen trên cây dừa. Các địa phương cần điều tra, khảo sát, phân loại mức độ thiệt hại để đưa ra giải pháp xử lý sâu bệnh hiệu quả nhất; phun xịt thuốc, sử dụng các thiên địch để ngăn chặn, khống chế bệnh sâu đầu đen…
 
H.THÔNG - M.THÀNH
   
 
 
 
 
.
.
.