.

Xô đổ kỷ lục của cả năm ngoái, 'trái cây vua' băng băng trên đỉnh lịch sử

Cập nhật: 12:59, 28/09/2024 (GMT+7)

Hàng trăm triệu dân Trung Quốc phát cuồng với sầu riêng, chi vài tỷ USD mỗi năm mua ăn. Còn Việt Nam trúng lớn nhờ xuất khẩu, tiền thu về từ bán loại “trái cây vua” trong 9 tháng ước lên tới 2,5 tỷ USD - kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,24 tỷ USD. Theo đó, sầu riêng trở thành loại trái cây tỷ USD mới (trước đó là thanh long), đồng thời đứng đầu trong top các loại rau quả có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng của Việt Nam trong năm vừa qua.

Chiều 27/9, chia sẻ với VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, báo tin, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm nay theo ước tính sơ bộ của hiệp hội. Tức, kim ngạch xuất khẩu loại “trái cây vua” đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.

a
Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh so với năm ngoái. Ảnh: Mạnh Khương

“Mới chỉ 9 tháng nhưng 2,5 tỷ USD đã là số tiền nhiều kỷ lục lịch sử đối với ngành sầu riêng, đồng thời cũng là con số kỷ lục của một loại rau quả xuất khẩu”, ông nhấn mạnh. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 2,3 tỷ USD.

Theo ông Nguyên, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn sẽ vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi, tháng 10 vào vụ thu hoạch loại trái cây này ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai và Lâm Đồng. Sầu nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm nay.

Đây cũng là thời điểm các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu Việt sẽ rất cao.

Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng được thu mua tại vườn dao động từ 42.000-95.000 đồng/kg tuỳ loại. Mức giá này giúp người nông dân thu được lợi nhuận rất cao từ loại trái cây tỷ USD.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Đắk Lắk cho biết, giá sầu riêng năm nay không cao như năm ngoái nhưng ổn định hơn. Điều này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thu mua sầu để trả đơn hàng xuất khẩu.

Năm nay, doanh nghiệp này dự kiến xuất khẩu khoảng 500 container sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Hiện, doanh nghiệp tập trung gom mua hàng để đáp ứng nhu cầu của phía đối tác.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng so với hàng Thái Lan, giá cả cũng cạnh tranh hơn. Nhờ đó, lượng sầu xuất khẩu tăng lên và còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường Trung Quốc, vị giám đốc trên cho hay.

a
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến vượt 3 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Mạnh Khương

Về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói: “Các doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục xin phê duyệt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc”.

Với tiến độ như hiện nay, ông Nguyên dự kiến tháng 11 tới đây có thể xuất sang thị trường tỷ dân những lô sầu đông lạnh đầu tiên.

Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về diện tích và sản lượng sầu riêng (gần 1,2 triệu tấn) sau Indonesia (1,8 triệu tấn), Thái Lan (hơn 2,32 triệu tấn) tính đến năm 2023.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) - cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng chi 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và dự kiến sẽ tăng nhanh qua các năm.

Đáng chú ý, nước ta đã xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ giữa năm 2022. Tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc ký tiếp Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Bộ NN-PTNT cũng tính toán, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400-500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sẽ góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD trong năm 2025.

Theo vietnamnet.vn


 

.
.
.