Liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo
(ABO) Sáng 29-10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo tỉnh Tiền Giang”.
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Tiền Giang là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, đóng góp phần lớn vào sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.
Tiền Giang có hơn 56 ngàn ha trồng lúa, với diện tích gieo trồng lúa năm 2023 trên 129 ngàn ha (chiếm 3,4% diện tích sản xuất lúa vùng ĐBSCL và chiếm 1,8% diện tích sản xuất lúa cả nước). Sản lượng thu hoạch gần 789 ngàn tấn (chiếm 3,1% sản lượng lúa vùng ĐBSCL và chiếm 1,9% sản lượng lúa cả nước).
Tỉnh Tiền Giang đã hình thành 2 vùng sản xuất lúa tập trung; trong đó, vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện phía Tây với diện tích 21 ngàn ha, sản lượng 428 ngàn tấn/năm và vùng sản xuất lúa thơm, đặc sản ở các huyện phía Đông với diện tích 18 ngàn ha, sản lượng khoảng 314 ngàn tấn/năm.
Thời gian qua, các quy định và chính sách về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành lúa gạo. Nông dân trồng lúa của tỉnh được hỗ trợ để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi…
Tính đến cuối tháng 1-2024, tỉnh Tiền Giang có 4 thương nhân có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng phát biểu chị đạo hội thảo. |
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 500 doanh nghiệp (DN) chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung tại các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp phía Tây của tỉnh.
Bên cạnh 20 DN chế biến, xuất khẩu gạo đã đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đóng gói sản phẩm, giúp nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa đưa ra thị trường thì vẫn còn khoảng 480 DN sử dụng nhiều công nghệ truyền thống, hiệu quả chưa cao, chưa đầu tư máy tách màu.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL phát biểu tại hội thảo. |
Với sản lượng xay xát gạo hơn 2 triệu tấn/năm, Tiền Giang là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của vùng ĐBSCL.
Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong chế biến và xuất khẩu gạo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng để thúc đẩy chế biến và xuất khẩu lúa gạo cả nước nói chung và tại Tiền Giang nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, hội thảo là cơ hội quan trọng để đánh giá tình hình và định hướng phát triển của ngành lúa gạo, lĩnh vực mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Hội thảo đã được nghe một số ý kiến trình bày của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ chế biến lúa gạo. Đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại hội thảo.
Đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu các cấp, các ngành trong thời gian tới cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất cây lúa phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin về thị trường trong nước và ngoài nước; đẩy mạnh số hóa thị trường.
Các cấp, các ngành phải tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học và các DN. Các DN cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cố gắng xây dựng và giữ vững thương hiệu. Các DN cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động chế biến và xuất khẩu lúa gạo.
Đồng chí Phạm Văn Trọng cho rằng việc thắt chặt mối quan hệ liên kết 4 nhà là yếu tố rất quan trọng; có như vậy mới khai thác hiệu quả hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo.
ANH PHƯƠNG - M.THÀNH