.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

Góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Cập nhật: 10:59, 28/10/2024 (GMT+7)

Chất lượng các dịch vụ hành chính công đã được nâng cao và tập trung thực hiện trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Từ đó, công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân khu vực nông thôn tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ.

NÂNG CAO KỸ NĂNG CNTT

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang triển khai Đề án về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã theo quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh, chỉ tính từ năm 2021 đến hơn nửa năm 2023, các sở, ngành tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức 11 lớp bồi dưỡng về kỹ năng CNTT chuyên sâu cho 590 cán bộ, công chức xã; 8 lớp bồi dưỡng kiến thức tài chính cho 960 cán bộ, công chức xã; 4 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường với 341 lượt công chức dự học; 4 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho công chức tư pháp - hộ tịch với 495 lượt công chức dự học; 4 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho công chức văn hóa - xã hội với 414 lượt công chức dự học.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện Cai Lậy.                                                                                                                                                                   Ảnh: SỬU MINH
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện Cai Lậy. Ảnh: SỬU MINH

Thực hiện Công văn 5713 ngày 14-11-2022 của Bộ Nội vụ về việc cử cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tham gia lớp tập huấn về NTM năm 2022, UBND tỉnh đã cử 21 cán bộ (trong đó có 10  Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và 10 Chủ tịch UBND xã) tham dự lớp tập huấn về NTM tại TP. Cần Thơ. Ngoài ra, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã tiếp tục được chú trọng. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1.264 Tổ công nghệ số cộng đồng với 8.123 thành viên. Các địa phương đã triển khai tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho hơn 8.000 học viên là các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh về những kiến thức chuyển đổi số như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân về ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và các dịch vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục…và thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, tỉnh đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 559 lãnh đạo UBND cấp xã trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà; tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề ứng dụng CNTT, chuyển đổi số với 2.126 học viên tham dự. Qua đó, các địa phương có lực lượng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng các nhu cầu ứng dụng CNTT vào xử lý công việc như ở huyện Châu Thành có 100% cán bộ, công chức khối hành chính các xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin. Từ đó, toàn huyện có trên 70% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản góp phần đưa huyện về đích huyện NTM năm 2023.

Không chỉ các cơ quan chính quyền, tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với 60 lớp về chuyển đổi số; kỹ năng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; các lớp tập huấn về chuyển đổi số và kỹ năng số trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước; các lớp chuyên đề về ứng dụng CNTT, an toàn bảo mật thông tin...

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC

Trong xây dựng NTM, chính quyền các địa phương đã tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả ở các cấp. Theo đó, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện hiệu quả vấn đề trên giúp cho công tác giải quyết TTHC cho người dân được nâng cao. Đơn cử như ở xã Tân Hội (TX. Cai Lậy) qua sử dụng phần mềm Một cửa điện tử, trong năm 2024 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã đã tiếp nhận 1159 hồ sơ; tất cả hồ sơ được cập nhật và xử lý trên phần mềm Một cửa điện tử, với 1153/1153 hồ sơ giải quyết và trả kết quả, đạt 100%; 1.123/1.159 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 96.89%...

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho).                 Ảnh: VĂN THẢO
Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho). Ảnh: VĂN THẢO

Để đạt được kết quả trên, theo Chủ tịch UBND xã Tân Hội Phan Văn Công, UBND xã đã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, công chức tăng cường ứng dụng CNTT và thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước như: Trang thông tin điện tử của xã, Hệ thống quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử (UBND xã và cá nhân); phần mềm Quản lý cán bộ, công chức; Hộp thư công vụ, Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước…; tìm phương pháp, cách làm để giải quyết tốt các hồ sơ, TTHC. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Còn ở huyện Tân Phước, 3 xã NTM nâng cao của huyện là Tân Hòa Thành, Thạnh Hòa, Tân Lập 1 đã thực hiện 94 TTHC, gồm 35 TTHC một phần, 59 TTHC toàn trình ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, đạt 100%; 3/3 xã có TTHC được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tất cả các hồ sơ đều được cập nhật và xử lý trên phần mềm Một cửa điện tử.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Thành Huỳnh Bá Nhật, việc áp dụng phần mềm Một cửa điện tử giúp cho công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tiết kiệm thời gian trong quá trình nhập dữ liệu, lập và lưu trữ hồ sơ. Đồng thời, tiết kiệm thời gian thực hiện chế độ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện TTHC hằng ngày. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ, góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; hạn chế tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính tại địa phương.

Sự chủ động ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC của các địa phương qua xây dựng NTM đã góp phần nâng cao chất lượng của công tác này. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo tỉnh, tính từ năm 2021 đến tháng 7-2023, Cổng dịch vụ công của tỉnh (dichvucong.tiengiang.gov.vn) đã cung cấp 1.856 DVCTT gồm: 158 DVCTT mức độ 2 (đạt 8,52%), 427 DVCTT mức độ 3 (đạt 23%) và 1.271 DVCTT mức độ 4 (đạt 68,48%); trong đó, đã tích hợp, đồng bộ 1.272 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), đạt 68,53%. Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 883 thủ tục, đạt 49% (883/1.698 thủ tục).

Tính đến tháng 12-2022, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý trên hệ thống Một cửa điện tử là 615.932 hồ sơ (trong đó có 10.488 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 33.195 hồ sơ trực tuyến mức độ 4); tỷ lệ hồ sơ TTHC mức độ 3, 4 xử lý trực tuyến đạt 7,09%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 98,27%. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích là 365.626 (chiếm 69% trên tổng số hồ sơ); trong đó, chiều trả kết quả hồ sơ là 348.085 hồ sơ, chiều tiếp nhận hồ sơ  là 17.541 hồ sơ.

C.THẮNG - T.T

.
.
.