.

"Nâng cấp" chất lượng cá tra giống để chuẩn hoá chuỗi giá trị ngành hàng

Cập nhật: 20:42, 12/10/2024 (GMT+7)

Ngành sản xuất cá tra đã qua hàng chục năm phát triển, mang về cho Việt Nam khoảng 50.000 tỉ đồng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thế nhưng, chất lượng con giống - khâu quan trọng của chuỗi ngành hàng chủ lực này ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất kém. Điều này, đặt ra vấn đề phải có sự nâng cấp toàn diện, nhất là khi thị trường nhập khẩu yêu cầu tất cả các khâu trong chuỗi giá trị phải được chuẩn hoá.

Đã đến lúc phải nâng cao chất lượng con giống cá tra. Ảnh: Trung Chánh
Đã đến lúc phải nâng cao chất lượng con giống cá tra. Ảnh: Trung Chánh

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang đánh giá, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra có khả năng mang về 2 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 50.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi nhìn lại khâu đầu tiên trong chuỗi ngành hàng này, tức sản xuất giống, thì đang rất yếu, kể cả chất lượng con giống lẫn đăng ký với cơ quan quản lý của các cơ sở tham gia vào khâu này.

Uơng dưỡng con giống kém hiệu quả

Tại hội nghị “bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế” diễn ra hôm 11-10 ở tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng giống và thức ăn thuỷ sản của Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cả nước hiện có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Trong đó, có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm (sản xuất cá tra bột) và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống).

Dù số lượng cơ sở tham gia vào hoạt động sản xuất giống cá tra khá đông, nhưng số được cấp giấy chứng nhận lại rất ít hay nói cách khác việc sản xuất cá tra giống chủ yếu là tự phát. Trong đó, chỉ có 91 trên 1.842 cơ sở ương cá giống được cấp chứng nhận và cơ sở sản xuất cá bột là 61 trên 76.

Điều đáng nói hơn, về cấp giấy chứng nhận “cơ sở an toàn dịch bệnh” thì không có cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá tra giống nào được đăng ký, thực hiện và cấp giấy chứng nhận.

Với số lượng đơn vị tham gia như nêu trên, theo ông Khôi, tính đến cuối tháng 9-2024, sản lượng cá bột đạt khoảng 23,6 tỉ con, nhưng số lượng cá giống chỉ đạt khoảng 3,41 tỉ con, tức quá trình ương nuôi từ cá bột lên cá giống đã bị hao hụt đến 20,19 tỉ con. Điều này có nghĩa, 6 cá bột được sản xuất ra, thì chỉ có 1 con được ương nuôi thành công lên cá giống- một tỷ lệ hao hụt vô cùng lớn.

Liên quan vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, tỷ lệ ương nuôi từ cá bột lên cá giống đạt rất thấp, chỉ khoảng 6-7%. “Hiện nay, chúng ta sản xuất khoảng 30 tỉ con cá tra bột mỗi năm, nhưng chỉ có 4 tỉ con cá giống cung cấp ra; hay như tỉnh Đồng Tháp, sản xuất trên 20 tỉ cá tra bột, nhưng chỉ có 1,3 tỉ con cá giống”, ông dẫn chứng tỷ lệ ương nuôi thành công quá thấp.

Đứng ở góc độ địa phương, ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản An Giang - địa phương sản xuất cá tra trọng điểm và có hệ thống ương nuôi cá giống “3 cấp” được đánh giá tốt nhất ở ĐBSCL cũng cho biết, tỷ lệ ương nuôi thành công cá bột lên cá giống dưới 10%.

Trong bối cảnh thị trường nhập khẩu, nhất là với các nước Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào quốc gia này phải đảm bảo chất lượng và phải được đăng ký, bao gồm cả con giống, thì việc “nâng cấp” toàn diện ngành giống cần phải triển khai.

Lấy công nghệ, kỹ thuật để giải quyết bài toán chất lượng cá tra giống. Ảnh: Sao Mai
Lấy công nghệ, kỹ thuật để giải quyết bài toán chất lượng cá tra giống. Ảnh: Sao Mai

Cần cải tiến công nghệ để giải quyết

Ông Võ Minh Khôi, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần cá tra Việt Úc gợi ý, để ngành hàng chủ lực này phát triển, vấn đề quan trọng nhất là phải có nguồn giống đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng và được cung cấp quanh năm.

Muốn đạt được vấn đề nêu trên, đầu tiên phải có chương trình chọn lọc cá bố mẹ để có nguồn gen chất lượng. Đây là điều kiện cần để đạt được mục tiêu.

Vấn đề thứ hai cần giải quyết để sản xuất được quanh năm là phải đầu tư, thay đổi công nghệ. Bởi lẽ, việc sản xuất tự phát ngoài trời như hiện nay, phụ thuộc hoàn toàn vào mùa vụ, tức không chủ động được quanh năm, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Vấn đề thứ ba, yếu tố thức ăn cho cá bột là rất quan trọng vì có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cũng như chất lượng cá giống. Do đó, phải có công nghệ sản xuất “thức ăn tự nhiên”. Đến thời điểm hiện tại, chưa có loại thức ăn công nghiệp nào có thể thay thế thức ăn tự nhiên trong sản xuất cá tra giống.

Đối với giai đoạn ương từ cá hương (cá bột nuôi lên cá hương và cá hương nuôi lên cá giống) lên cá giống, dịch bệnh là “thách thức” rất lớn đối với các cơ sở nuôi truyền thống hiện nay. Bởi, phần lớn áp dụng “công thức” phòng ngừa dịch bệnh bằng sản phẩm vi sinh để ổn định chất lượng nước. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra không ít rủi ro cho người nuôi thương phẩm, nhất là về chất lượng sản phẩm nguyên liệu đầu ra.

Hiện có một số đơn vị nghiên cứu, thử nghiệm hệ thống ương cá giống khép kín, tuần hoàn nước (RAS) tương tự nguyên lý hoạt động của hệ thống RAS đã rất thành công ở các đối tượng khác, nhất là cá hồi. Hệ thống này bao gồm nhiều bể nuôi nhỏ nối tiếp nhau (RAS truyền thống) với nhiều công nghệ xử lý nhằm tối ưu hóa năng suất sản xuất.

Vị giám đốc điều hành của cá tra Việt Úc tin tưởng, qua giải pháp kỹ thuật từ các viện, trường và kết hợp đầu tư từ doanh nghiệp, vấn đề chất lượng con giống cá tra sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay, đó là thị trường tiêu thụ chưa “hấp dẫn”, tức sản xuất cá tra giống thường xuyên thua lỗ vì giá thấp. “Cá bột có thời điểm 1 đồng mua được 2 con, tức giá rất thấp”, ông dẫn chứng.

Đồng quan điểm, ông Quốc của VINAPA cho rằng, giá cá tra giống loại 30 con/kg có giá chỉ 27.000 đồng/kg tại thị trường Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) sẽ khó tạo được mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nuôi. Muốn có hiệu quả phải từ 35.000 đồng/kg trở đi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, thực hiện lại việc quy hoạch hạ tầng cho vùng sản xuất giống, trong đó, phải có sự ưu tiên về nguồn lực đầu tư.

“Trước đây, có quyết định về đề án cá tra giống 3 cấp rất hay, nhưng do thiếu nguồn lực dẫn đến kéo dài từ năm 2018 đến nay, nhưng các tỉnh vẫn loay hoay không biết làm sao”, ông nói.

Theo gợi ý của ông Quốc, phải quản lý bằng điều kiện sản xuất giống, tức không thể "trộn lẫn" giữa trang trại, cơ sở đạt yêu cầu với cơ sở không đạt như hiện nay. Người làm giống chất lượng cao với người làm giống không đảm bảo chất lượng cũng như nhau thì không thể nào nâng cao chất lượng giống được.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.