.

Văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng phát triển bền vững

Cập nhật: 10:04, 11/10/2024 (GMT+7)

Đúng 20 năm ngày 13-10 được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung.

GHI NHẬN, TÔN VINH

Ngày 13-10-1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Bức thư có đoạn viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Cũng chính từ ý nghĩa đó, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp tiêu biểu Tiền Giang năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp tiêu biểu Tiền Giang năm 2023.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm, sự đóng góp của giới doanh nhân, doanh nghiệp đã được ghi nhận, biểu dương thông qua các hoạt động tuyên dương như danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, doanh nhân khối địa phương tiêu biểu, doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Ngay trên địa bàn tỉnh, hằng năm UBND tỉnh đều tổ chức họp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam và khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích trong sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp cho địa phương.

Kể từ Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 ra đời, có nhiều doanh nhân trên địa bàn tỉnh được tuyên dương Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, nhiều doanh nghiệp cũng đã được Trung ương và tỉnh khen thưởng. Điều này thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của giới doanh nhân trong chặng đường phát triển chung của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng.

Đi cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp của cả nước không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung. Điều này được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết 09 ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ra đời đã định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ mới, đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết, khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ doanh nhân, là một cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.

Nổi bật trong nghị quyết là quan điểm xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Đồng thời, nghị quyết khẳng định tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước…

Từ khi Nghị quyết 09 ra đời, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng được ban hành nhằm kiến tạo một môi trường thông thoáng, minh bạch, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, phải thừa nhận rằng, những năm gần đây doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của giới doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là sau khi Việt Nam đi chung guồng máy của kinh thế thế giới, đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước và của mỗi địa phương. Điển hình nhất là trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã tăng liên tục qua các năm.

Nếu như vào năm 2014, giá trị xuất khẩu của Tiền Giang chỉ xấp xỉ 1 tỷ USD, đến năm 2024 theo dự báo đạt khoảng 5,5 tỷ USD, vượt rất ra so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mục tiêu đặt ra là 4,5 tỷ USD). Đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu của Tiền Giang phần nhiều là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đây được xem là quả ngọt qua nhiều năm Tiền Giang kiến tạo môi trường, tập trung thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Con số kim ngạch xuất khẩu cũng đã phần nào chứng minh sự đóng góp của các thành phần kinh tế, trong đó doanh nhân, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo.

NỀN TẢNG VĂN HÓA

Nhưng cũng phải công bằng mà nói, bên cạnh những con số đóng góp còn phải chú trọng trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội. Phần nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thời gian qua đã thể hiện tốt nhưng cũng không ít doanh nghiệp không chú trọng, hay cố tình bỏ lơi trách nhiệm của mình. Đó là trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm với người tiêu dùng…

Thực tế đã cho thấy, không ít doanh nhân, doanh nghiệp đã “bỏ quên” trách nhiệm của mình. Bằng chứng là có doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm môi trường, bị ngành chức năng xử lý nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành; không ít doanh nghiệp chây ì hay cố tình nợ thuế, trốn thuế, gian lận thuế với hành vi rất tinh vi; không ít doanh nghiệp phớt lờ chính sách đối với người lao động để dẫn đến tình trạng đình công, lãn công; rồi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả nhan nhãn khắp nơi…

Bên cạnh mục tiêu hiệu quả kinh tế, nền tảng văn hóa giờ đây đã trở thành “hồn cốt” để tồn tại và phát triển của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp. Hơn 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam là dấu mốc quan trọng để soi rọi lại các giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam. Đây cũng là dịp để củng cố niềm tin, hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn.

Bởi Văn hóa Việt Nam hàm chứa nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Ở mỗi khía cạnh đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, nhưng tựu trung đều hướng đến những giá trị cốt lõi của chân - thiện - mỹ. Văn hóa doanh nghiệp cũng là một khía cạnh và cũng cùng hướng đến những mục tiêu cao cả ấy.

Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh tôn trọng các quy luật chung, văn hóa doanh nghiệp cũng là một thước đo và được xem là một trong những giá trị mang tính cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Từ ý nghĩa sâu sắc này, ngày 26-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1846 chọn ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Việc chọn Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam không chỉ khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội, mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Mỗi người đều có sự nhìn nhận về khái niệm văn hóa doanh nghiệp có phần khác nhau nhưng đều rút ra những điểm chung là văn hóa doanh nghiệp sẽ mang lại những giá trị cốt lõi cho sự tồn tại. Nhìn nhận từ khía cạnh thực tiễn, mỗi doanh nghiệp khi đã làm ra được của cải vật chất, ngoài nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, còn hướng đến các hoạt động xã hội. Đó cũng là một trong những công việc nhằm xây dựng văn hóa của doanh nghiệp.

Nhưng khi nhìn nhận một cách tổng thể hơn, văn hóa doanh nghiệp hiện nay rất quan trọng, quyết định rất lớn đến thành công của mỗi doanh nghiệp. Bởi, chúng ta đang đứng trước một “thế giới phẳng”, chỉ cần sự kiện nhỏ toàn cầu có thể nhận biết do công nghệ thông tin đang lấn sâu vào đời sống xã hội, mọi người đều có thể giao lưu và kết nối với nhau. Đối với mỗi doanh nghiệp, khi thiếu vốn có thể vay ngân hàng miễn sao dự án chứng minh được tính hiệu quả nhưng quyết định hiệu quả hay không là do yếu tố nguồn lực lao động.

Chính vì lấy con người là yếu tố quyết định, máy móc thiết bị đều do con người điều khiển, nên cách ứng xử trong các mối quan hệ cần đảm bảo tính hài hòa, khoa học và tất nhiên doanh nghiệp phát triển, văn hóa doanh nghiệp cũng dần được hình thành. Đây cũng là yếu tố bắt buộc và đương nhiên phải có trong mỗi doanh nghiệp.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng cần phải xác định là văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển và tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Tất nhiên, để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp là chặng đường dài và nhiều vất vả nhưng không coi trọng văn hóa doanh nghiệp rất khó phát triển bền vững.

“Tất cả các mối quan hệ, đạo đức, tác phong công nghiệp, nghi lễ… cũng phải được mỗi doanh nghiệp đầu tư và xây dựng qua các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, pháp luật cũng cần phải rõ ràng, nghiêm minh để tạo điều kiện cho văn hóa doanh nghiệp phát triển. Chưa kể, Nhà nước phải thật sự đóng vai trò hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp”- Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ như thế.

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

.
.
.