.

Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

Cập nhật: 15:15, 16/10/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 16-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Giải pháp quản lý sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Giám đốc Sở NN&PTNN Nguyễn Văn Mẫn chủ trì hội thảo.

Đồng chí Trần Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích dừa là 22.400 ha, ước sản lượng 246.600 tấn/năm. Cây dừa được phân bố từ huyện Cái Bè đến huyện Tân Phú Đông. Trong đó, diện tích tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Gạo 7.700 ha, Châu Thành 5.000 ha, Tân Phú Đông 2.700 ha, Gò Công Tây 2.500 ha, TP. Mỹ Tho 1.700 ha... Giống dừa được trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay là dừa uống nước (60,6%) và dừa lấy dầu (39,4%).

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
 
Tại buổi hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men trình bày diễn biến, tình hình bệnh sâu đầu đen hại dừa và đề ra những giải pháp trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 4-10-2024, diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh là 279,28 ha; trong đó, huyện Chợ Gạo 245,61 ha, huyện Gò Công Tây 0,67 ha, huyện Tân Phú Đông 33,1 ha. 

Theo đồng chí Võ Văn Men, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như sau: Tổ chức ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen; trong đó, Sở NN&PTNN phối hợp với UBND các huyện có trồng dừa, đặc biệt là huyện Chợ Gạo tổ chức ra quân đồng loạt để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại 3 xã Xuân Đông, Hòa Định và An Thạnh Thủy để tránh lây lan ra bên ngoài. Thực hiện các biện pháp phòng trừ và áp dụng ngay các giải pháp đối với các vườn dừa bị nhiễm để tránh sâu đầu đen lây lan trên diện rộng. Tăng cường công tác dự tính - dự báo, điều tra, phát hiện tình hình gây hại của sâu đầu đen, đặc biệt trên những vườn dừa nông dân ít hoặc không quan tâm chăm sóc; thống kê diện tích nhiễm, mức độ gây hại; đồng thời, ghi nhận tình hình áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa của người dân.

Thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đốn bỏ và tiêu hủy đối với các cây dừa bị nhiễm sâu đầu đen nặng mà người dân chủ yếu chỉ trồng lấy bóng mát hoặc cây dừa không phải là nguồn thu nhập của gia đình, dừa già cỗi không trái, đặc biệt quan tâm đối với các hộ mua đất trồng dừa trên địa bàn nhưng lại thường trú ở nơi khác, hoặc chủ hộ thường xuyên đi làm xa, vắng nhà... Tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen trước khi ra quân đồng loạt và hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng trừ sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh, qua đó rút kinh nghiệm trong công tác phòng trừ sâu đầu đen gây hại dừa.

Thạc sĩ Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phát biêu tại hội thảo.
Thạc sĩ Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phát biểu tại hội thảo.
Tiến sĩ Hồ Văn Chiến trình bày các giải pháp phòng, trừ sâu đầu đen hại dừa.
Tiến sĩ Hồ Văn Chiến trình bày các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại hội thảo.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam trình bày những biện pháp và giải pháp trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Theo đó, để phòng chống sâu đầu đen hại dừa, nông dân cần vệ sinh cắt bỏ những lá dừa bị sâu bệnh và tiến hành tiêu hủy, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật sinh học, kết hợp với bẫy đèn, “bẫy đèn thông minh”, tăng cường phóng thích ong ký sinh và bón phân vi sinh học để cây dừa nhanh phục hồi. Bên cạnh đó, cần đốn bỏ, tiêu hủy những cây dừa bị nhiễm nặng, không có khả năng phục hồi và tiến hành trồng những giống dừa mới (dừa có chiều cao thấp) để giảm sự tác hại của sâu đầu đen.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn đề nghị Chi cục TT&BVTV tỉnh tổng hợp phát biểu của đại biểu tham dự hội thảo, trình bày về các biện pháp, giải pháp trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa thành tài liệu. Từ tài liệu đó, các biện pháp, giải pháp tối ưu nhất nhanh chóng được phổ biến đến từng địa phương trồng dừa trên địa bàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường những biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, nhất là huyện Chợ Gạo, tiến hành vệ sinh, cắt tỉa các lá dừa bị sâu bệnh, phun xịt thuốc trừ sâu đầu đen và giải pháp căn cơ lâu dài nhất là giải pháp sinh học. Sau khi các địa phương có tài liệu về các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, tiến hành xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình để đem lại hiệu quả cao nhất trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
H. THÔNG
 
 
 
 
 
 
 
 
.
.
.