.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm - Xu hướng mới trong cạnh tranh

Cập nhật: 09:56, 24/10/2024 (GMT+7)

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong hoạt động cạnh tranh.

KHAI PHÁ TIỀM NĂNG

Tiền Giang với thế mạnh nông nghiệp và diện tích trồng cây ăn trái lớn, hiện có nhiều nhà máy chế biến trái cây với công suất cao. Hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ khá hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước; nhất là lĩnh vực xuất khẩu, các sản phẩm chế biến như nước quả cô đặc, sản phẩm sấy từ sầu riêng, thanh long... không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, mà còn tới các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường.                                                     Ảnh: VĂN THẢO
Tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: VĂN THẢO

Theo định hướng đến năm 2030, Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản; xây dựng một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, sự đa dạng trong các ngành công nghiệp và sự phát triển của hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Tiền Giang được định hướng phát triển hiện đại, tiên tiến sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với những sản phẩm đặc trưng của địa phương thì việc ứng dụng TXNG là hết sức cần thiết; việc các sản phẩm nông sản của Tiền Giang được cấp mã số vùng trồng, dán tem TXNG, càng tăng thêm uy tín cho nông sản của địa phương, là “tấm giấy thông hành” đảm bảo cho thương hiệu nông sản của Tiền Giang đi vào các thị trường khó tính.

Mặc dù doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào sản xuất và xây dựng thương hiệu, nhưng thị trường vẫn tồn tại các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu của doanh nghiệp.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100 ngày 19-1-2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG với các mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng và an toàn cho sản phẩm, hàng hóa; tăng cường nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về TXNG thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin và kiến thức thiết yếu về TXNG.

Việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG theo Đề án trên được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ và 63 tỉnh, thành phố để đồng nhất hệ thống TXNG trong các sản phẩm do Bộ và địa phương quản lý, nhằm kết nối với Cổng thông tin truy xuất quốc gia. Hiện tại, 45/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai áp dụng TXNG cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Trong thời gian qua, nhiều cơ sở và doanh nghiệp sử dụng mã QR để cung cấp thông tin về sản phẩm, gọi đó là tem TXNG. Tuy nhiên, hoạt động truy xuất qua các tem này chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Tem truy xuất hiện tại chỉ áp dụng cho hệ thống mã nội bộ, khả năng truy xuất còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu truy xuất toàn diện. Các hệ thống TXNG hiện nay chủ yếu khép kín, chưa kết nối với các cơ quan quản lý và thiếu khả năng liên kết với các hệ thống TXNG khác cũng như với hệ thống TXNG quốc tế. Hơn nữa, tem TXNG chưa được quản lý bởi cơ quan nhà nước, dẫn đến việc in ấn và kê khai thông tin một cách tự do.

Trải nghiệm công nghệ TXNG sản phẩm.
Trải nghiệm công nghệ TXNG sản phẩm.

Do chưa có chuẩn mực chung cho TXNG sản phẩm, nhận thức trong xã hội về TXNG cũng gặp nhiều nhầm lẫn. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần có mã vạch hoặc QR code trên bao bì là có TXNG, hoặc cho rằng việc cung cấp thông tin về doanh nghiệp hoặc vị trí sản xuất đã đủ cho TXNG.

Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều công ty phần mềm cung cấp dịch vụ TXNG mà thực tế không đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Ngoài ra, việc kết nối giữa các bên liên quan trong quá trình sản xuất vẫn còn hạn chế. Các quy định của Việt Nam rất cụ thể cho từng khâu, nhưng chưa có quy định về việc báo cáo, lưu truyền thông tin giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng.

Trong một số trường hợp, phương pháp truyền thông tin TXNG giữa các đơn vị chưa được quy định cụ thể, dẫn đến mặc dù có nhiều quy định về hoạt động truy xuất nội bộ, nhưng không kết nối thông tin từ đầu đến cuối chuỗi sản phẩm theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc không tuân thủ quy trình, ghi chép của doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng là yếu tố khiến dữ liệu TXNG không đầy đủ và không cập nhật theo yêu cầu.

Để khắc phục những hạn chế, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI  Lê Thị Thu Thủy cho biết, TXNG hàng hóa phục vụ mục đích quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát hàng hóa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc này, các cơ quan nhà nước đã xây dựng khung pháp lý liên quan. Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, cùng với Thông tư 02/2024 quy định về quản lý TXNG, có hiệu lực từ 1-6-2024. Văn bản này yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện TXNG hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo các thông tin cơ bản được mã hóa trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia để người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam Phạm Văn Thọ cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 30-6-2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 204 về việc thực hiện Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ từ nay đến năm 2025, phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Tại Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng LACO, nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Thanh Lam đã đề ra các giải pháp: Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về TXNG; thống nhất, chuẩn hóa hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để TXNG; thống nhất về các thông tin TXNG sản phẩm. Quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên trong chuỗi cung ứng.

Cần có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm, chẳng hạn như: Các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, các giấy chứng nhận về chất lượng, các loại giấy đánh giá. Khi sản phẩm bị thu hồi, loại bỏ, thông qua TXNG có thể biết trách nhiệm thuộc về bên nào, tại khâu nào trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Dựa vào quy định, đưa ra hình thức xử lý phù hợp với các bên và với sản phẩm. Xây dựng quy định xử phạt vi phạm liên quan đến tính chính xác của dữ liệu TXNG.

Xây dựng quy trình và công cụ ghi chép nhật ký điện tử về toàn bộ quá trình hình thành ra sản phẩm. Đây là một tài liệu quan trọng để chứng minh toàn bộ quá trình tạo ra cũng như luân chuyển sản phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, trong quá trình vận chuyển hàng hóa được bảo quản ra sao, có ảnh hưởng tới chất lượng hay không.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như hệ thống RASFF của châu Âu hay hệ thống Phân tích mối nguy và Kiểm soát phòng ngừa dựa trên rủi ro HARPC của Hoa Kỳ. Xây dựng cổng thông tin TXNG quốc gia và kết nối đồng bộ dữ liệu với hệ thống thông tin tại các tỉnh, thành phố giúp việc truy xuất được đầy đủ và thống nhất.

Bên cạnh đó, Cổng thông tin truy xuất quốc gia cần kết nối thông tin truy xuất với các cổng thông tin của các thị trường xuất khẩu hoặc các tổ chức quốc tế có liên quan để thúc đẩy nhanh chóng việc kiểm tra, kiểm duyệt sản phẩm, hàng hóa trước khi được xuất - nhập khẩu.

LÊ MINH

.
.
.