Việt Nam có 163 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 3-10, cả nước có 163 thương nhân tại 23 tỉnh, thành phố đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo danh sách, TPHCM dẫn đầu với 38 thương nhân đạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, tiếp theo là thành phố Cần Thơ có 35 thương nhân, Long An có 22 thương nhân. Ảnh: LT |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cập nhật danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 3-10-2024. Cả nước có tổng số 163 thương nhân tại 23 tỉnh, thành phố đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo danh sách, TPHCM dẫn đầu với 38 thương nhân đạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; tiếp theo là thành phố Cần Thơ có 35 thương nhân; Long An có 22 thương nhân; các tỉnh An Giang, Đồng Tháp mỗi địa phương có 14 thương nhân; thành phố Hà Nội có 10 thương nhân; các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang mỗi địa phương có 4 thương nhân; Kiên Giang có 3 thương nhân.
Các địa phương Hưng Yên, Nghệ An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế mỗi địa phương có 2 thương nhân. Các địa phương Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang mỗi địa phương có 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo ước đạt 7,01 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 4,37 tỉ đô la Mỹ, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, TTXVN cũng dẫn thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 3-10 còn 539 đô la/tấn, giảm hơn 20 đô la so với tuần trước. Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức khoảng 550 đô la/tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm qua.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 đô la/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.
Mới đây, Việt Nam đã trúng thầu 2 lô gạo với số lượng gần 60.000 tấn, trong đợt mở thầu gạo tháng 9 của Indonesia với giá trúng thầu là 548 đô la/tấn, giảm 32 đô la so với tuần trước. Mặc dù giá giảm, nhưng nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn giữ ở mức cao, tạo áp lực cầu lớn cho gạo Việt Nam.
Theo thesaigontimes.vn/viet-nam-co-163-thuong-nhan-du-dieu-kien-kinh-doanh-xuat-khau-gao/