.

Lũ giảm nhưng ngập đô thị tăng ở ĐBSCL: Vấn đề ở đâu?

Cập nhật: 19:43, 05/10/2024 (GMT+7)

Hơn mười năm trở lại đây, xu hướng lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng giảm, nhưng tình trạng ngập tại đô thị ở khu vực này lại gia tăng. Đâu là nguyên nhân và cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: Trung Chánh
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: Trung Chánh

Liên quan vấn đề nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với PGS- TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ)

Lũ nhỏ tăng, lũ lớn không còn

* Phóng viên (PV): Qua nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về xu hướng lũ ở ĐBSCL trong khoảng 10 năm gần đây?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Căn cứ vào dữ liệu đỉnh lũ được đo tại các trạm ở ĐBSCL, trong khoảng 10 năm gần đây, xu hướng lũ ngày càng giảm dần khi nhiều năm không có lũ lớn, lũ trung bình cũng giảm, trong khi lũ nhỏ tăng lên. Điều này có nghĩa, lũ về ĐBSCL giảm dần qua các năm.

Khi tìm nguyên nhân, thì một phần do biến đổi khí hậu (thời tiết thất thường, sự hiện diện của El Nino khắc nghiệt hơn...); một số nước ở thượng nguồn sông Mekong có khuynh hướng giữ nước nhiều hơn cho thuỷ điện hoặc chuyển nước qua vùng khác, làm nước về ĐBSCL ngày càng ít, kể cả lượng nước trữ trong hồ Tonle Sap cũng ít đi (hồ Tonle Sap ở Campuchia trữ nhiều nước trong mùa mưa và điều hoà xuống hạ lưu trong mùa khô).

Lũ ngày càng giảm dẫn tới một số hệ quả xấu về mặt môi trường và sinh thái, bao gồm nguồn cá ít đi, sạt lở có khuynh hướng ngày càng tăng do thiếu nước và phù sa.

* PV: Có thống kê nào cho thấy xu hướng này đang chuyển dịch ngày một nghiêm trọng hơn trên thực tế hay không, thưa ông?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Dựa vào nước lũ cực đại (Hmax) được đo ở trạm Tân Châu, giai đoạn từ năm 2001-2011, ĐBSCL có 4 lũ lớn, 6 lũ trung bình và 2 lũ nhỏ. Trong đó, lũ lớn xảy ra vào các năm 2000, 2001, 2002 và 2011; lũ trung bình xảy ra từ năm 2003 đến 2007 và năm 2009; lũ nhỏ vào năm 2008 và 2010.

Đến giai đoạn năm 2012- 2023, khu vực ĐBSCL xuất hiện 10 lũ nhỏ và 2 lũ trung bình, trong khi lũ lớn không còn. Trong đó, lũ trung bình xuất hiện vào năm 2013 và 2018; lũ nhỏ xảy ra trong các năm còn lại của giai đoạn này.
 

Ngập lụt ở các đô thị vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Trung Chánh
Ngập lụt ở các đô thị vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Trung Chánh

Vì sao ngập đô thị ngày càng nghiêm trọng hơn?

* PV: Như phân tích, rõ ràng lũ về ĐBSCL ngày càng ít, nhưng có một thực tế là ngập đô thị ở vùng này lại ngày càng gia tăng, vì sao thưa ông?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Đặc điểm ngập đô thị ở ĐBSCL là nước rút rất chậm, thậm chí vào thời điểm tháng 10 hàng năm, tức mùa lũ những lúc không có mưa vẫn bị ngập. Điều này có nghĩa, khi tổ hợp nước đầu nguồn về khoảng tháng 10 kết hợp với triều cường gây ngập nhiều hơn, trong đó, phần lớn do yếu tố triều cường, nhất là khi biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, tức triều cường càng nhiều hơn.

Một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần gây ngập lụt đô thị là do lún mặt đất tự nhiên. Khu vực đô thị chịu lún nhiều hơn vùng nông thôn, trong đó, một số nơi ở ĐBSCL (Cần Thơ và Cà Mau) có tốc độ lún nhanh gấp 10 lần so với nước biển dâng vì xây dựng và phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, việc khai thác sử dụng nước ngầm quá nhiều, làm đất sụt xuống rất nhanh, trong khi lượng phù sa bù cho lún quá ít, đó là chưa kể việc lấy bùn cát từ nơi này đắp nơi khác cũng dẫn đến tình trạng lún ngày càng nhiều hơn.

Rõ ràng, ngập lụt đô thị có nhiều yếu tố gây ra, bao gồm thứ nhất, biến đổi khí hậu nước biển dâng gặp giai đoạn triều cường kết hợp mưa lũ làm ngập tăng lên; thứ hai, sức chịu tải của nền ngày càng lớn làm cho đất lún xuống; thứ ba, khai thác nước ngầm nhiều. Đó là chưa kể hệ thống thoát nước không bắt kịp tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá, thậm chí rác thải làm giảm hiệu quả hệ thống thoát nước…

* PV: Nhưng tại sao giai đoạn trước tình trạng này ít hơn, dù lũ lớn hơn?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Thật ra chuyện ngập đô thị cũng xuất hiện cách đây vài chục năm. Nhưng ngày xưa ngập và rút đi rất nhanh, bởi có không gian trữ và thoát lũ dễ dàng, tức qua giai đoạn triều cường là rút rất nhanh.

Còn hiện tại nước bị ứ lại lâu hơn với hai lý do chính. Thứ nhất, đất ngày càng lún xuống, khó thoát nước; thứ hai, không còn không gian trữ nước do xây dựng công trình, tức giảm không gian trữ nước thì độ sâu ngập tăng lên dẫn đến thời gian ngập kéo dài hơn…

* PV: Thời gian qua, nhiều địa phương đã chi không ít tiền để xử lý ngập lụt đô thị, nhưng giải quyết được ở chỗ này, thì rủi ro lại đẩy qua nơi khác?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Chống ngập nó giúp giảm bớt sự tắc nghẽn của hoạt động kinh tế hoặc tạo thuận lợi cho người dân, nhưng giảm được chỗ này lại đẩy qua vùng khác.

Trong khi đó, những vùng khác lại đang trong quá trình đô thị hoá, tức ngày càng phát triển về hạ tầng, nhà cửa hay nói cách khác không gian trữ lũ giảm, thì nó cũng lập lại bài toán nan giải của các đô thị hiện hữu.

Dĩ nhiên, khi những đô thị mới chưa có công trình để bảo vệ, thì sẽ lãnh đủ những rủi ro đó. Chuyện này cũng giống trong mùa khô, tức nước mặn xâm nhập vào nội đồng, thì làm cống để bảo vệ vùng này, nó sẽ đẩy mặn vô sâu hơn ở chỗ khác.

Cần tạo không gian trữ nước

* PV: Vậy đâu sẽ là giải pháp cho bài toán ngập lụt đô thị, thưa ông?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Đây là vấn đề rất khó. Khi bị ngập lụt có nhiều hướng giải quyết, bao gồm một là phân tán diện tích ngập, tức tạo ra không gian trữ lũ; thứ hai, như ở Nhật Bản họ xây dựng hầm lớn chôn nước xuống để sử dụng trong mùa khô, nhưng đây là cách làm rất tốn kém; thứ ba, là làm chậm quá trình lũ, tức ở thượng nguồn khi nước lũ về, có thể dẫn đi qua các khu đất ngập nước để phân lũ, làm chậm quá trình lũ, tức làm sao cho đỉnh lũ và triều cường ít gặp nhau.

Thứ tư, là thay đổi quy hoạch không gian, tức thay vì làm khu dân cư, khu hành chính tập trung, thì cần phân tán để giảm bớt xây dựng công trình giúp làm chậm tình trạng lún đất.

Kế tiếp nữa là, có thể bổ cập nhân tạo nước ngầm, tức khi mùa mưa thay vì làm hầm trữ nước lớn như Nhật Bản, thì lấy nước đó bơm xuống tầng nước ngầm để khôi phục, giúp làm tăng phản áp để hạn chế sụt lún đất.

Ngoài ra, trong xây dựng nhà cửa, chung cư, cao ốc văn phòng hạy hạ tầng giao thông cần tạo không gian trữ, thoát nước thay vì ngăn cản, bê tông hoàn toàn.

* PV: Như ông đề cập cần tạo không gian chứa lũ. Vậy, có cần thay đổi sản xuất nông nghiệp để tạo không gian chưa nước trong mùa lũ hay không?

* PGS-TS Lê Anh Tuấn: Thật ra, cũng có thể cho nước lũ vào ở mức vừa phải, nhất là ở những nơi hiệu quả sản xuất không cao cần mạnh dạn bỏ. Song song đó, có thể đẩy mùa vụ lên để “né” mặn và thời điểm triều cường.

Triều cường tháng 10 hàng năm là cao nhất, cho nên, làm sao thu hoạch trước tháng 10 để có không gian trữ nước. Đây cũng là cách để cải tạo đồng ruộng, có thêm nguồn cá. Tôi vẫn có khuynh hướng là cần gia tăng không gian trữ lũ cho chuyện ngập nước.

* PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.