.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng tăng 23,5%

Cập nhật: 19:47, 04/10/2024 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng 2024 đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

a
Bốc xếp gạo Việt Nam xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại gạo Basmati, chấm dứt hơn một năm ngừng bán ra nước ngoài. Đánh giá về động thái này của Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Biến động của thị trường Ấn Độ trong xuất khẩu gạo sẽ có ảnh hưởng với xuất khẩu gạo Việt Nam. Song Việt Nam đã xây dựng được hệ sinh thái trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo nên việc ảnh hưởng sẽ không quá lớn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Hiện Việt Nam đã có thị phần, giá trị, chất lượng gạo tương đối ổn định trên thị trường thế giới. Với hệ sinh thái trong chuỗi giá trị gắn với thị trường tương đối chặt chẽ, bài bản, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng 2024 đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 7 triệu tấn, tăng 9,2%. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 624 USD/tấn, tăng 13,1%.

Quyết định của Ấn Độ được đưa ra khi sản lượng thu hoạch gạo trong năm 2024 tăng cao hơn, củng cố kho dự trữ của nhà nước để đáp ứng nhu cầu trong nước và nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới trong vài tuần tới. Sự trở lại của nguồn gạo từ Ấn Độ đã khiến thị trường gạo các quốc gia như: Thái Lan, Việt Nam tuần vừa qua đã có sự điều chỉnh giá nhẹ để cạnh tranh, điều này cũng làm giảm nhiệt giá gạo trên thị trường toàn cầu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 3/10 còn 539 USD/tấn, giảm trên 20 USD so với tuần trước. Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức khoảng 550 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm qua, trước áp lực từ nhu cầu trầm lắng và sự cạnh tranh từ các đối thủ có giá rẻ hơn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định: Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo việc này cũng sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước. Bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao.

Mới đây, Việt Nam đã trúng thầu 2 lô gạo với số lượng gần 60.000 tấn, trong đợt mở thầu gạo tháng 9 của Indonesia với giá trúng thầu là 548 USD/tấn, giảm 32 USD so với tuần trước. Mặc dù giá giảm, nhưng nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn giữ ở mức cao, tạo áp lực cầu lớn cho gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, cả nước gieo cấy 6,93 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 34 triệu tấn, tăng 1,5%.

Hiện vụ lúa Hè Thu ở phía Nam đang bước vào giai đoạn cuối. Còn vụ lúa Thu Đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 626 nghìn ha, tăng 2,9%. Tuy nhiên, vụ lúa này diện tích gieo cấy cũng không cao nên sản lượng lúa từ nay đến cuối năm cũng không quá dồi dào.

Trong khi đó, với các loại gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp nhận định gạo Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo ông Đinh Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty Cỏ May, giá gạo ST 25 sẽ khó giảm, thậm chí có thể tăng do khan hiếm nguồn cung. Mặc dù giá gạo thế giới có xu hướng giảm, nhưng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25 vẫn giữ được vị thế.

Ngay cả vụ Thu Đông, các địa phương đều khuyến cáo người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và EU.

Ở một góc độ khác, 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu gạo trị giá 996 triệu USD để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023.

Nếu duy trì tốc độ nhập khẩu như trong 2 tháng vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 có thể lên tới 1,3 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, nông dân Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng lúa gạo giá cao, còn lúa gạo ở phân khúc trung bình, phổ thông ít dần. Thậm chí để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu nhiều diện tích chỉ còn sản xuất 1 vụ lúa chất lượng cao, thời gian còn lại là nuôi tôm, cá. Để làm bún, phở, nhiều loại sản phẩm chế biến từ gạo, hay làm thức ăn chăn nuôi… thì cần loại gạo phân khúc trung bình. Do đó, vài năm gần đây, ngoài xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập một lượng lớn gạo để bù đắp những khoảng trống.

Thống kê cũng cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm nay ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá gạo nhập khẩu về đến Việt Nam phổ biến trong khoảng 480-500 USD/tấn.

Theo TTXVN
 

.
.
.