.

Huyện Cai Lậy: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 19:30, 01/11/2024 (GMT+7)

Những tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có bước phát triển mạnh mẽ; văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Đây là kết quả tích cực sau 9 tháng nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện; cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Trong năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Cai Lậy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Huỳnh Vũ Phương chia sẻ, lĩnh vực nông, ngư nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực, thế mạnh địa phương và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Công nhân may tại Công ty TNHH Trà Tân (xã Long Trung, huyện Cai Lậy).
Công nhân may tại Công ty TNHH Trà Tân (xã Long Trung, huyện Cai Lậy).

Theo đó, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất vụ lúa với diện tích gieo trồng đạt 96,06 % so với Nghị quyết, sản lượng đạt 101,61% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các mô hình liên kết chuỗi giá trị được tiếp tục triển khai ở các xã Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Thạnh Lộc và Phú Cường với tổng diện tích qua 3 vụ là 1.720 ha, chiếm 9,73% tổng diện tích gieo trồng lúa của huyện, đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Cùng với đó, huyện Cai Lậy đã tập trung đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Đến nay, Mỹ Long đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và Hiệp Đức được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao lên 7 xã, xã nông thôn mới kiểu mẫu là 2 xã và huyện đăng ký phấn đấu, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2027.

Lĩnh vực công nghiệp của huyện duy trì đà tăng trưởng. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2024 đạt gần 713 tỷ đồng, đạt 75,63% so với Nghị quyết (Nghị quyết là 942,7 tỷ đồng).

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đánh giá cao sự quyết tâm của Đảng bộ huyện, điều hành tập trung của UBND huyện, các ngành, các địa phương… trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy.

Trong thời gian tới, huyện Cai Lậy quyết tâm hơn nữa trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cần đặt ra các giải pháp cụ thể cho từng mục tiêu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương; giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Vấn đề đầu tư công, cần phân loại nhóm cụ thể để có kế hoạch thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ cho địa phương và nhân dân.

Hoạt động dịch vụ và du lịch của huyện có bước phục hồi tích cực. Hệ thống chợ truyền thống được củng cố, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa; nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho gần 150 ngàn người dân.

Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử, mua bán hàng hóa trực tuyến, tổ chức các điểm bán hàng lưu động có xu hướng phát triển. Riêng lĩnh vực du lịch, huyện có 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn các xã: Tân Phong, Tam Bình, Cẩm Sơn và Phú An và chỉ trong 9 tháng năm 2024, đã thu hút 27.555 lượt khách (tăng 5.954 lượt so cùng kỳ năm 2023), trong đó có 17.246 khách quốc tế (tăng 6.840 lượt khách so cùng kỳ năm 2023).

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, trong công tác đầu tư xây dựng, huyện cũng đã tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả các công trình, dự án đã được đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới, như: Trường học, thiết chế văn hóa, đường giao thông…

Trong đó, các công trình văn hóa đã từng bước phát huy tác dụng, là nơi để các ngành chức năng sinh hoạt chính trị, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trong các ngày kỷ niệm, lễ hội, hội thi, liên hoan, hội diễn, hội thao…

QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU NĂM 2024

Đồng chí Huỳnh Vũ Phương cho biết, tình hình thu ngân sách năm nay rất khả quan, đến thời điểm hiện tại đã vượt dự toán tỉnh giao (đạt 107,5%). Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn. Trong những tháng cuối năm, huyện sẽ tập trung hơn nữa khai thác triệt để các nguồn thu, chủ động xây dựng phương án sử dụng tăng thu, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình chuyên canh sầu riêng của bà Võ Thị Phượng.
Mô hình chuyên canh sầu riêng của bà Võ Thị Phượng.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm được huyện đặt ra là khẩn trương triển khai các công trình đầu tư công năm 2024, đảm bảo tiến độ hoàn thành và giải ngân đúng thời gian quy định. Song song đó, huyện tích cực đẩy mạnh mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm như: Dự án Khu nhà ở thương mại trung tâm hành chính; Dự án Khu đô thị mới huyện Cai Lậy phía Đông và phía Tây sông Bình Long; Dự án Nhà máy nước Hiệp Đức và Dự án Cụm công nghiệp Long Trung.

“Đặc biệt, huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Đây được xem là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn trên địa bàn huyện”- đồng chí Huỳnh Vũ Phương cho biết thêm.

Còn về sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chú trọng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là vùng cây ăn trái đặc sản của địa phương.

Song song đó, huyện tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Riêng về văn hóa - xã hội, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, địa phương chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, nỗ lực của nhân dân, huyện Cai Lậy có niềm tin sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, đặc biệt là việc phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư, tạo đà phát triển vững chắc cho những năm tiếp theo.

TUẤN LÂM

.
.
.