.

Khởi nghiệp ĐBSCL: "Cá mập" quan tâm nhưng chưa dám xuống tiền

Cập nhật: 20:18, 22/11/2024 (GMT+7)

Ý tưởng tốt cùng sự hỗ trợ tích cực, dự án khởi nghiệp có thể giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có. Thế nhưng, chuyện khởi nghiệp hiện nay ở vùng này trên thực tế lại chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Một số sản phẩm thịt thực vật từ trái mít non. Ảnh: Lemit Food FB
Một số sản phẩm thịt thực vật từ trái mít non. Ảnh: Lemit Food FB

Hàng loạt chương trình/cuộc thi khởi nghiệp quy mô cấp vùng lẫn địa phương được triển khai thời gian qua ở ĐBSCL, với kỳ vọng vực dậy tinh thần khởi nghiệp, tăng thêm số lượng doanh nghiệp nhằm góp phần phát triển kinh tế- xã hội cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, hành trình này gặp rất nhiều khó khăn, kể cả dự án được đánh giá thành công hiện nay.

Vào cuộc nhiều nhưng rời cuộc chơi cũng không ít

Bà Cao Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm sáng tạo, một startup được đánh giá thành công với sản phẩm thịt thực vật từ mít non chia sẻ, để tránh được mùa mất giá cho trái mít, sấy khô là phương pháp truyền thống có thể giải quyết.

Tuy nhiên, để gia tăng thêm giá trị trái mít thì sản xuất thịt thực vật từ mít non sẽ giúp tận dụng nguồn nguyên liệu này. Sản phẩm mới này còn giúp tận dụng được lượng mít non nông dân cắt tỉa bỏ bớt trong quá trình chọn mít thương phẩm, thường chiếm khoảng 20% số trái trong vườn.

Các sản phẩm mang thương hiệu Lemit Food được tung ra thị trường, bước đầu được chấp nhận, đánh giá cao, bao gồm pate mít, khô mít, thác lác mít và bánh phồng mít...

Thế nhưng, là doanh nghiệp khởi nghiệp nên đơn vị này “không được phép ôm giấc mơ màu hồng" vì nhiều gian khó vẫn còn ở phía trước, cần sự hỗ trợ để có thể tiến xa hơn. Trong đó, đầu tiên cần có cơ chế chứng nhận sản phẩm xanh/bền vững để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, thu hút người dùng quan tâm bảo vệ môi trường; kế đến là thúc đẩy thương hiệu quốc gia cho sản phẩm xanh/bền vững như thịt thực vật từ mít nhằm nâng cao giá trị, tạo sức hút cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Bên cạnh hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, nhà chức trách nên có chính sách về tín dụng, ưu đãi để tiếp thêm “sức mạnh” cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong khi đó, ông Thạch Hoàng Anh, sinh viên tài chính ngân hàng Trường đại học Cần Thơ, chủ dự án khởi nghiệp “áo giáp hạt giống” cho biết, ý tưởng của dự án là khôi phục hệ sinh thái, bảo tồn các loại cây quý hiếm, nhất là ở vùng đất ngập mặn.

“Áo giáp hạt giống” là công nghệ nhả chậm dòng phân hữu cơ với ba lớp, trong đó, lớp thứ nhất là phân hữu cơ sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp; lớp thứ hai, ứng dụng nấm đối kháng trichoderma, keo hữu cơ và cuối cùng là hạt giống cần trồng.

Ông Hoàng Anh chia sẻ, hiện tại dự án đã ứng dụng thành công đối với cây Gõ Nước, loại thực vật quý hiếm ở vùng ngập mặn đang có nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Nhờ có “áo giáp hạt giống”, tỷ lệ sinh trưởng cây Gõ Nước cao hơn, khả năng chống chịu trước tác động từ môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, ông nói thêm, tương lai của dự án vẫn rất cần sự hỗ trợ, nhất là về mặt tài chính.

Có một thực tế phải công nhận, đó là trên hành trình khởi nghiệp, không phải ý tưởng nào cũng thành công, thậm chí có rất nhiều dự án đã chết yểu trên con đường chinh phục tài nguyên của Đồng bằng.

Thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL đã phần nào cho thấy điều đó khi số lượng doanh nghiệp của vùng không thể tiếp tục theo đuổi ý tưởng kinh doanh sau một thời gian gia nhập là rất lớn.

Cụ thể, năm 2019 có đến 11.103 doanh nghiệp rời cuộc chơi, năm 2020 là 9.143 và ba năm tiếp theo (2021, 2022 và 2023) lần lượt có 11.612, 12.548 và 14.852 doanh nghiệp ngưng kinh doanh.

Khi cân đối giữa số doanh nghiệp tham gia với số doanh nghiệp rút lui, trong năm ngoái, toàn vùng ĐBSCL chỉ có thêm 191 doanh nghiệp, tức bình quân mỗi địa phương ở ĐBSCL có thêm chưa đến 15 doanh nghiệp trong năm 2023.

Gỡ vướng chính sách để “cá mập” xuống tiền

Để ý tưởng khởi nghiệp giúp ĐBSCL bùng nổ dựa trên tài nguyên sẵn, bên cạnh sự hỗ trợ như đề xuất của bà Nhung hay ông Hoàng Anh như đã nêu ở trên, rất cần sự quan tâm tháo gỡ/tạo hành lang về mặt chính sách để thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư “cá mập” vào dự án khởi nghiệp.

Tại diễn đàn Mekong startup lần II năm 2024 diễn ra mới đây ở tỉnh Đồng Tháp, ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon thuộc Tập đoàn VinaCapital cho biết, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn với 750 km bờ biển có thể phát triển điện gió, hàng triệu héc ta sản xuất lúa gạo cùng hàng ngàn héc ta rừng ngập mặn. Chẳng hạn, ngành lúa gạo có 1,5 triệu tấn trấu, 12 triệu tấn rơm rạ, ông dẫn chứng.

Theo ông, nhà đầu tư rất quan tâm đến tiềm năng của ĐBSCL nhưng chưa xuống tiền vì nhiều lý do. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải tháo gỡ một số điểm nghẽn đang tồn tại. Trong đó, ĐBSCL cần phát triển dự án lớn để thu hút nguồn đầu tư lớn và phát triển startup thành doanh nghiệp lớn dựa trên tài nguyên của vùng.

Tuy nhiên, để làm được những việc này, cấp Chính phủ cần đẩy mạnh các quy định liên quan đến thị trường carbon, bởi đây là tiền đề để nhà đầu tư rót vốn khi các quốc gia nhiều tiền, ít tài nguyên như Singapore, Nhật Bản sẽ mua lại kết quả giảm phát thải.

Đối với cấp bộ, ông Công kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thúc đẩy nhanh hơn chính sách liên quan kinh tế rừng và các dự án liên quan sử dụng đất. Bởi lẽ, dù nhà đầu tư rất quan tâm nhưng chưa đầu tư vì vướng quy định này.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, cần sớm ban hành tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật liên quan ngành đang quản lý. Ví dụ, vỏ trấu sản xuất than sinh học và từ than sinh học sản xuất phân hữu cơ, vật liệu xây dựng, hiện nhà đầu tư muốn rót tiền. Thế nhưng, tiêu chuẩn/quy chuẩn để đánh giá than sinh học như thế nào là được sản xuất phân hữu cơ, như thế nào được dùng làm vật liệu xây dựng thì lại thiếu.

Với người khởi nghiệp, để dự án mới có thể tiếp cận được nguồn vốn rộng lớn cần, ông Công cho rằng, các startup cần nghĩ lớn, làm lớn, tiếp cận bài bản chứ không chỉ dừng lại ở ý tưởng hoặc đi xin nguồn tài trợ. Khi nhà khởi nghiệp có sổ sách minh bạch, dám bỏ tiền phát triển sản phẩm và có thị trường thì nhà đầu tư mới yên tâm rót vốn vào dự án.

Ông Phan Văn Trường, người sáng lập hệ sinh thái Cấy Nền, một hệ sinh thái với chuỗi các khóa học miễn phí, hướng thanh niên khởi nghiệp và giải quyết những khó khăn nghề nghiệp và đời sống, cho biết, tại Pháp, khi doanh nghiệp muốn tìm hiểu thị trường thì tham tán thương mại sẽ cung cấp đầy đủ địa chỉ công ty trong ngành mà doanh nghiệp quan tâm.

Đây là điều mà các cơ quan chức năng ở Việt Nam nên học hỏi để có những hành động thiết thực vì phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ nên khó có thể đi nước ngoài liên tục, ở lại dài ngày để tìm hiểu khách hàng. Nếu làm tốt công tác hỗ trợ mở rộng thị trường thì doanh nghiệp khởi nghiệp mới có thêm cơ hội lớn mạnh.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.