.

Xã Tân Hòa Thành: Gắn kết làng nghề bàng buông với du lịch

Cập nhật: 10:42, 25/11/2024 (GMT+7)

Cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn nhằm nâng cao mức sống cho nhân dân thì Làng nghề Bàng buông vốn đã có từ lâu, đến nay vẫn còn tồn tại như khẳng định sự tiếp nối giữ nét truyền thống mộc mạc hòa vào nhịp sống mới của công cuộc chuyển mình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

CHUYỆN LÀNG NGHỀ

Thuở xưa, khi ông cha ta đi khai khẩn vùng đất phương Nam, những cây cỏ bàng, cây năn, cây lác… đã hiện hữu từ rất lâu trên vùng đất hoang hóa, phèn chua và mỗi loại cây đều có công dụng riêng của nó. Trong cuộc mưu sinh khắc phục thiên nhiên, người dân địa phương đã sáng tạo ra những vật dụng cần thiết phục vụ cho quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày từ cây cỏ bàng như: Cần có nón để che nắng che mưa; đệm, nóp, manh để nằm ngủ; giỏ, tụng bàng để đựng chứa đồ dùng cần thiết. Từ đó, người này truyền cho người kia, lớp sau nối tiếp lớp trước và cứ thế cải biến sáng tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường ở mỗi thời điểm khác nhau. 

Buổi sinh hoạt Tổ Liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa Thành.
Buổi sinh hoạt Tổ Liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa Thành.

Nghề bàng buông xã Tân Hòa Thành được phân bố rải rác ở hầu hết 8 ấp của xã với 1.875/2.927 hộ làm nghề, chiếm 64,05%, thu hút 7.113 lao động tham gia với 5.010 lao động thường xuyên. Trong đó, có trên 700 người có thâm niên từ 20 năm trở lên. Thu nhập bình quân làm nghề này từ 1,5 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm bàng buông Tân Hòa Thành được chia ra nhiều loại như: Giỏ, nón, đệm, manh thưa, manh em… Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm của làng nghề là cỏ bàng do người dân tự trồng hoặc mua ở một số nơi như: Xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước), xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành) và các vùng lân cận thuộc tỉnh Long An. Bàng được người dân mua về, phơi khô, cho vào máy ép lần một, tiếp tục phơi khô, ép lần hai, sau đó cắt gọn, làm sạch vỏ gốc và tiến hành đương ra sản phẩm.

VÀ CHUYỆN BẢO TỒN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Hòa vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, người dân xã Tân Hòa Thành từng bước chuyển đổi ngành nghề để thích ứng với cơ chế thị trường: Hoặc phát triển buôn bán, hoặc đi làm công ty với nguồn thu nhập khá hơn.

Chính vì vậy, Làng nghề Bàng buông của xã Tân Hòa Thành ít nhiều bị mai một. Thực tế là vậy, nhưng hiện nay nghề bàng buông trên địa bàn xã vẫn được duy trì và vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tay nghề của người thợ đương bàng ngày càng được nâng cao cùng với sự hỗ trợ của kỹ thuật, máy móc thiết bị đã rạo ra các sản phẩm giỏ bàng, nón bàng ngày càng tinh xảo, đẹp mắt được du khách thập phương đón nhận và trở thành món quà lưu niệm phổ biến mỗi khi đến với huyện Tân Phước.

Chị em phụ nữ ở xã Tân Hòa Thành đan bàng buông
Chị em phụ nữ ở xã Tân Hòa Thành với nghề đan bàng buông.

Ngoài ra, các sản phẩm đương từ bàng như manh thưa lót trái cây, giỏ đựng trái cây, giỏ xuất khẩu… cũng là các sản phẩm cung ứng thường xuyên cho thị trường góp phần tạo thu nhập ổn định cho làng nghề.

Hiện trên địa bàn xã có khoảng 15 hộ sản xuất quy mô lớn hoạt động hiệu quả và có 17 cơ sở ép bàng hoạt động hằng ngày.

Chúng tôi đến cơ sở thu mua các sản phẩm từ bàng của chị Châu Thị Liêm (ấp Tân Quới) thì được biết trước đây, chị từng là thương lái thu mua ở các hộ dân, sau này chị tạo mặt bằng và tổ chức thu mua tại cơ sở. Sản phẩm thu mua của chị chủ yếu là giỏ bàng và nón bàng. Chị Liêm cho biết, mỗi ngày cơ sở của chị thu mua khoảng 1.000 sản phẩm các loại và khi đủ số lượng thì phân phối ra thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau…

Cô Vũ Thị Nhãn (59 tuổi, ấp Hai) gắn bó với làng nghề trên 30 năm cho biết, mỗi ngày cô đương được khoảng 25 cái giỏ bàng, trừ chi phí thu nhập khoảng 140 ngàn đồng (tùy theo giá cả thị trường). Do cây bàng bây giờ khan hiếm hơn trước nên mỗi sản phẩm làm ra tiền lời chỉ cứng hơn phân nửa, chủ yếu là lấy công làm lời. Cô cho biết, sở dĩ cô trụ lại với nghề lâu như vậy vì đây là nghề truyền thống của gia đình và cũng do tuổi cao nên không có nghề khác phù hợp.

Còn chị Võ Thị Thành (ấp Tân Vinh) bộc bạch, trước đây, chị cũng đương giỏ, manh nhưng thu nhập không nhiều. Gần đây, chị chuyển sang đương giỏ bàng thành phẩm kết hợp trang trí hoa văn đẹp mắt cung cấp cho khách du lịch và theo nhu cầu đặt hàng của khách.

Nhìn chung, những lao động còn gắn bó với làng nghề có nhiều lý do. Khó khăn hiện này là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung, đầu ra các sản phẩm không ổn định. Sản phẩm của làng nghề tuy được khách hàng ưa chuộng nhưng chưa có điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài, mà còn phải thông qua các công ty trung gian nên giá cả còn thấp.

Nguồn nguyên liệu đã có một số hộ dân trồng để cung cấp nhưng chưa đảm bảo, thường thiếu nguyên liệu vào mùa mưa, giá cao, thiếu vốn. Người tiêu dùng phần lớn vẫn chưa quen với sản phẩm nên việc quảng bá sản phẩm sẽ cần nhiều thời gian và nhiều chi phí.

GẮN VỚI DU LỊCH ĐỂ PHÁT TRIỂN

Làng nghề Bàng buông Tân Hòa Thành đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận làng nghề vào năm 2014 và các sản phẩm bàng buông đã được UBND huyện Tân Phước công nhận OCOP vào năm 2022 là cơ sở để làng nghề được bảo tồn và phát triển một cách bền vững.

Trong thời gian qua, chính quyền xã Tân Hòa Thành đã xây dựng lộ trình và định hướng phát triển làng nghề với những mục tiêu cụ thể như: Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo phát triển làng nghề; đầu tư vốn để mở rộng trồng nguyên liệu bàng tại chỗ; đầu tư máy móc thiết bị cho làng nghề. Đặc biệt là đề xuất, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho làng nghề.

Đồng thời, thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, hội chợ triển lãm; bán sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử; liên kết với các công ty tổ chức các tour, tuyến du lịch trong nước đến tham quan làng nghề, tạo đầu ra cho sản phầm từ hoạt động du lịch.

Với những định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, cùng với những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 13 của Huyện ủy Tân Phước về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch đến năm 2025, Làng nghề Bàng buông Tân Hòa Thành sẽ có bước chuyển mình đột phá, trở thành bức tranh đan xen giữa nét truyền thống và hiện đại, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, đưa du lịch Tân Phước ngày càng giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới.

NHUNG NGUYỄN - C.T

.
.
.