.

Xuất khẩu gạo với kỷ lục mới trên 8 triệu tấn

Cập nhật: 21:15, 15/11/2024 (GMT+7)

Mặc dù có những tác động không nhỏ từ thị trường lúa gạo thế giới, song nhiều tín hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam sẽ tiếp tục lập mốc mới. Các chuyên gia nhận định: Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục của năm 2023. 

Bốc xếp gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu: Đình Huệ/TTXVN
Bốc xếp gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu: Đình Huệ/TTXVN
 
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex nhận định: Năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn, giá trị cũng sẽ đạt trên 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 USD/tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và vẫn khá ổn định.
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.
 
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
 
Riêng Philippines, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 3,68 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 2,84 triệu tấn và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu trong cả năm 2023 của Philippines. Những tháng gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Philippines luôn ở mức cao, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn đang rất lớn.
 
Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định: Trong những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai. Dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn.
 
Tuy giá xuất khẩu gạo Việt Nam gần đây có biến động nhưng ông Đỗ Hà Nam cho rằng, cuối năm giá lúa gạo vẫn có thể tăng do nguồn cung trong nước bị hạn chế và thêm nữa là do bão lũ. Thị trường Philippines là thị trường nhập khẩu lớn gạo Việt Nam rất ưa chuộng gạo thơm nên dù thế giới có nguồn cung tăng từ Ấn Độ nhưng cũng không thay thế được.
 
Mới đây, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 3 lô với số lượng là 83.500 tấn gạo (chiếm 17%) trong gói thầu gạo số lượng 500.000 tấn vào tháng 10 vừa qua của Indonesia. Trong đợt mở thầu lần này, Indonesia mua được gạo với giá tốt hơn nhiều so với những lần trước nhờ sự tham gia của Ấn Độ. Tuy nhiên có thể thấy, do chất lượng gạo Ấn Độ không tốt bằng các nguồn như Việt Nam hay Thái Lan nên lượng gạo trúng thầu không cao.
 
Ông Đỗ Hà Nam cho biết: Các doanh nghiệp đã có các hợp đồng từ nay đến cuối năm khá lớn. Cùng với việc phải giao số lượng trên cho Indonesia sẽ giúp cho giá gạo vẫn ổn định.
 
Dù Ấn Độ trở lại “đường đua” trong xuất khẩu gạo, nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, việc này cũng sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo Việt Nam. Thị trường gạo sẽ khá ổn định và không có rủi ro cao, bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao.
 
"Việt Nam đang dần tạo dựng ngành hàng lúa gạo tương đối khác biệt so với các nước. Đồng thời tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Từ đó, hình thành dần mặt bằng thị trường với hàng hóa riêng biệt và tạo ra được giá riêng biệt", ông Đỗ Hà Nam cho hay.
 
Với các loại gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp nhận định: Gạo Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo ông Đinh Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, giá gạo ST 25 sẽ khó giảm, thậm chí có thể tăng do khan hiếm nguồn cung. Mặc dù giá gạo thế giới có xu hướng giảm, nhưng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao vẫn giữ được vị thế.
 
Minh chứng là sau khi thành công đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường tiêu dùng khắt khe nhất thế giới, mới đây Tập đoàn Tân Long với thương hiệu gạo AAN tiếp tục thành công đưa dòng gạo Japonica vào thị trường này.
 
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long chia sẻ, với nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng gạo, tập đoàn đã có loại gạo thứ 2 vào thị trường Nhật Bản. Tân Long phấn đấu không chỉ dừng lại ở ST25, Japonica mà còn nhiều dòng gạo khác mang thương hiệu AAN - thương hiệu nội địa Việt Nam sẽ từng bước chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
 
Các quy định nhập khẩu khắt khe của Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải quyết tâm, kiên trì hợp tác cùng với nông dân trong canh tác, kiểm soát cánh đồng cũng như kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Làm tốt điều này, gạo của Việt Nam sẽ đến được Nhật Bản nhiều hơn trong tương lai và sẽ trở thành gạo chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn có thể vươn ra các thị trường khó tính trên thế giới, ông Trương Sỹ Bá tin tưởng.
 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá: Ấn Độ đã mở cửa xuất khẩu gạo trở lại và gạo 5% tấm có sự ảnh hưởng nhất định. Nhưng ở chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn duy trì được giá xuất khẩu tương đối tốt.
 
Với đặc tính mùa vụ liên tục, có tính gối đầu, từ vụ Đông Xuân, Hè Thu - Mùa và đến Thu Đông, nguồn cung lúa gạo trong nước liên tục được khôi phục. Để đảm bảo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sản lượng lúa năm nay có thể vẫn đạt 43 triệu tấn.
 
(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-voi-ky-luc-moi-tren-8-trieu-tan-20241115080934493.htm)
 
.
.
.