.
DỰ ÁN THÀNH PHẦN 2 CAO TỐC CAO LÃNH - AN HỮU GIAI ĐOẠN 1:

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Cập nhật: 10:32, 23/12/2024 (GMT+7)

Đến thời điểm này, các khó khăn, vướng mắc của Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đã từng bước được giải quyết. Khi có nguồn cát đắp nền và gia tải về công trường, các nhà thầu sẽ tập trung tăng tốc thi công.

TỪNG BƯỚC THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (Ban QLDA tỉnh Tiền Giang), Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 11,43 km, do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản; trong đó, thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,8 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,63 km.

Các nhà thầu đang tập trung triển khai công tác thi công.
Các nhà thầu đang tập trung triển khai công tác thi công.

Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tổng diện tích đất thu hồi của Dự án thành phần 2 khoảng 83,345 ha (trong đó, tỉnh Đồng Tháp là 28,363 ha trên chiều dài tuyến 3,98 km và tỉnh Tiền Giang là 54,982 ha trên chiều dài tuyến 7,52 km). Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 680 hộ (trong đó, tỉnh Đồng Tháp là 203 hộ và tỉnh Tiền Giang là 477 hộ).

Theo Giám đốc Ban QLDA tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương, khó khăn lớn nhất của Dự án thành phần 2 là phần điều chỉnh tổng mức đầu tư đã được hoàn thành. Trong quá trình triển khai dự án, khó khăn tiếp theo là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn vật liệu đắp nền đường, gia tải. Đến thời điểm này, công tác GPMB đã hoàn thành 100% phía tỉnh Tiền Giang; phía tỉnh Đồng Tháp chỉ còn 1 hộ dân ngay tại nút giao đầu tuyến (giao với đường tỉnh 850).

Theo Giám đốc Ban QLDA tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương, đến thời điểm này, giá trị xây lắp của dự án đã đạt hơn 6,5%. Trong thời gian tới, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn giám sát, liên danh các nhà thầu sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các mũi thi công.

Đặc biệt là tập trung thi công tại nút giao đầu tuyến (giao với đường tỉnh 850, điểm nối với Dự án thành phần 1). Để khi Dự án thành phần 1 hoàn thành sẽ kết nối với đường tỉnh 850, đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư. Do những nguyên nhân khách quan nên Dự án thành phần 2 khởi công sau Dự án thành phần 1 khoảng 1 năm.

Hiện nay, Ban QLDA đã thành lập Ban Điều hành dự án, cử cán bộ phối hợp xuyên suốt, bất kể ngày đêm với các nhà thầu để khi có vướng mắc sẽ kịp thời tháo gỡ. Trên công trường sẽ tổ chức thi công liên tục theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “3 ca, 4 kíp” để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Riêng công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, các bên liên quan đang quyết liệt, phấn đấu trong tháng 12-2024 sẽ hoàn thành. Cụ thể là di dời điện trung thế, hạ thế và di dời cáp viễn thông, cấp nước. Trên tuyến vướng 2 vị trí của đường dây điện cao thế, thủ tục phải trình Bộ Công thương. Do đó, các bên liên quan đang cùng huyện Cái Bè phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Phương, Dự án thành phần 2 thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 106 của Quốc hội. Theo đó, đối với vật liệu xây dựng thông thường, Dự án thành phần 2 được cấp 2 mỏ cát (1 mỏ thuộc tỉnh Tiền Giang, 1 mỏ thuộc tỉnh Đồng Tháp) để nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án.

Tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho Dự án thành phần 2 khoảng 1,571 triệu m3. Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện xong các thủ tục cấp phép khai thác. Trong ngày 21-12, Công ty cổ phần Xây lắp 368 đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Khai thác khoáng sản cát san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần 2.

Theo đó, khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền của Công ty cổ phần Xây lắp 368 thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè có diện tích hơn 12,5 ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác phục vụ cho Dự án thành phần 2 là 656 ngàn m3. Mức sâu khai thác đến mức 20 m, phương pháp khai thác lộ thiên. Thời gian khai thác là 9 tháng, kể từ ngày cấp bản xác nhận.

Trường hợp khai thác đủ khối lượng cho dự án trước thời gian 9 tháng thì phải dừng khai thác theo quy định. Theo Bản xác nhận số 260 của UBND tỉnh Tiền Giang, khu vực, công suất, khối lượng… khai thác cát đối với khu vực II của mỏ Hòa Hưng 2 trước đây giao cho Công ty cổ phần Xây lắp 368, một phần giao cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn để khai thác phục vụ thi công Dự án thành phần 2.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Phương, trong tuần tới, những khối cát đầu tiên sẽ về công trường. Đối với khu vực mỏ cát thuộc mỏ cát giao cho Tổng Công ty xây Trường Sơn dự kiến cũng sẽ tổ chức khai thác trong tuần tới. Đối với mỏ cát thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành các thủ tục, đang chờ UBND tỉnh cấp phép.

TĂNG TỐC THI CÔNG KHI CÓ CÁT VỀ

Có thể nói, hiện nay, khó khăn lớn về nguồn cát đắp nền và gia tải của dự án đã được tháo gỡ. Đây được đánh giá là “bước ngoặt” của dự án, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Lê Đình Huấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp 368, hiện dự án đang trông chờ nguồn cát để phục vụ công tác thi công đường và gia tải.

Công trường nhộn nhịp thi công.
Công trường nhộn nhịp thi công.

Việc khởi công khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công dự án là bước ngoặc quan trọng nhất. Trong vài ngày tới, đơn vị sẽ tiến hành khai thác cấp cho dự án.

Theo Thượng tá Vũ Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (nhà thầu đứng đầu liên danh), thời gian qua, chủ đầu tư đã tích cực tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp nền và gia tải cho dự án.

Trong thời gian chờ nguồn cát đắp nền và gia tải theo cơ chế đặc thù, các nhà thầu đã mua khoảng 50.000 m3 cát thương mại từ Campuchia về để thi công đường công vụ. Hiện cơ bản tất cả các cầu trên tuyến đã được nhà thầu tiếp cận, triển khai thi công.

Khai thác mỏ cát Hòa Hưng 2 theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công Dự án thành phần 2.
Khai thác mỏ cát Hòa Hưng 2 theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công Dự án thành phần 2.

Riêng phần đường, các nhà thầu đang tập trung đào nền đường để khi có cát về sẽ huy động nhân lực, thiết bị tăng tốc thi công. Đến thời điểm này, các nhà thầu đã huy động khoảng 130 thiết bị, hơn 60 cán bộ, kỹ sư, hơn 300 công nhân trên công trường để phục vụ công tác thi công.

Hiện các nhà thầu đang rất chủ động trong việc chuẩn bị đưa nguồn cát đắp nền và gia tải về công trường sớm nhất. Khi có nguồn cát đắp nền và gia tải, nhà thầu sẽ ưu tiên hoàn thành đường công vụ trong khoảng một tháng để phục vụ công tác thi công.

Các nhà thầu phấn đấu hoàn thành đường công vụ trên toàn tuyến trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Liên danh các nhà thầu sẽ tổ chức thi công xuyên Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 để đẩy nhanh tiến độ dự án.

MINH THÀNH

.
.
.