.

Tiền Giang: Kỳ vọng từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Cập nhật: 21:40, 21/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ phát động Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Đề án) tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký diện tích thực hiện Đề án đến năm 2030 là 29.500 ha. Đề án triển khai tại 7 huyện, thị, thành của tỉnh gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Cai Lậy và TP. Gò Công.

Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng về việc triển khai Đề án bên lề Lễ phát động.

* Phóng viên (PV): Trước hết, đồng chí đánh giá như thế nào về triển vọng của Đề án?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang thực hiện các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh trình diễn mô hình công nghiệp hóa, cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, là một bước tiến rất quan trọng, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển mô hình sản xuất lúa theo công nghệ, quy trình mới. Từ đó, nông dân sẽ tiết kiệm được những chi phí không cần thiết để nâng cao giá trị, lợi nhuận trong sản xuất lúa.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phất cờ phát động triển khai Đề án.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phất cờ phát động triển khai Đề án.

Đây là một mô hình rất thích hợp ở vùng Gò Công nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. Nông dân sau khi xem buổi trình diễn mô hình canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cần nghiên cứu thêm và hưởng ứng, tham gia Đề án.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất lúa trước giờ chúng ta chưa làm nhiều. Nếu thực hiện thành công thì sẽ làm thay đổi căn bản trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp; chuyển từ năng suất sang hiệu quả, chất lượng, thương hiệu. Tôi tin tưởng Đề án sắp tới sẽ thực hiện thành công.

* PV: Sau Lễ phát động, đồng chí có yêu cầu với chính quyền các cấp trong việc triển khai Đề án?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Qua buổi tham quan mô hình trình diễn canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, đây chỉ là bước thử nghiệm. Chắc chắn trong quá trình thử nghiệm sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm có giá trị.

Trình diễn mô hình canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây).
Trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây).

Tuy nhiên, cũng có thể bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với nông dân. Nếu không có sự gắn kết, chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thì chắc chắn mô hình sẽ không thành công.

Do vậy, mối quan hệ giữa chính quyền các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp với nông dân rất quan trọng, quyết định sự thành công của Đề án.

* PV: Trong thời gian tới, đồng chí có những chỉ đạo gì đối với ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương trong thực hiện Đề án?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng:  Ngành Nông nghiệp phải thật sự là cơ quan chủ lực vừa có trách nhiệm, vừa gần gũi, gắn bó với nông dân và lĩnh vực nông nghiệp nói chung thì mới triển khai Đề án thành công. Ý thức, trách nhiệm của từng lãnh đạo, công chức, viên chức của ngành Nông nghiệp phải tập trung cho Đề án.

Sau Lễ phát động, ngành Nông nghiệp, các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện tham gia Đề án cần có chỉ đạo, cụ thể hoá các nội dung thành kế hoạch cụ thể của địa phương, đơn vị với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH - H. THÔNG

(thực hiện)

.
.
.