.

Huyện Châu Thành: Hiệu quả từ Chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi"

Cập nhật: 09:18, 20/12/2024 (GMT+7)

Năm 2024, Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh  (SXKD) giỏi” tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.

Nhờ đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác và sự hỗ trợ từ chính quyền, nhiều nông dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện.

THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NÔNG DÂN

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” đối với xóa khó, giảm nghèo và phát triển bền vững của huyện, các cấp Hội Nông dân (HND) trong huyện bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương Hội, Tỉnh hội, sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của huyện, hằng năm xây dựng kế hoạch để triển khai chuyên đề và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ với nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực.

 Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất lúa an toàn cho nông dân huyện.
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất lúa an toàn cho nông dân huyện.

Để nâng cao nhận thức và thu hút đông đảo hội viên nông dân tích cực tham gia chuyên đề, công tác tuyên truyên luôn được coi trọng. Theo đó, HND huyện phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyên đề, phối hợp với các nhà khoa học phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, phát động phong trào thi đua tới 100% cơ sở hội; giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ nông dân SXKD giỏi cho các Hội.

HND các cấp tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, thường xuyên kiểm tra hoạt động của chuyên đề thi đua để đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ đạo sát tình hình thực tế. Việc bình xét danh hiệu hộ SXKD giỏi cũng được HND tổ chức công khai, dân chủ, khách quan, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong hội viên nông dân trên địa bàn toàn huyện. Theo thống kê của HND huyện, trong năm 2024, toàn huyện có trên 19.170 hộ nông dân đăng ký thi đua nông dân SXKD giỏi các cấp và qua kết quả bình xét cuối năm huyện có 13.411 hộ đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 70% so với hộ đăng ký.

Chủ tịch HND xã Bình Trưng Lê Văn Thọ cho biết, những năm qua, HND xã tích cực thực hiện Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi”, quán triệt các chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên nông dân để kịp thời hỗ trợ.

Qua đó, đã tạo được sự tin tưởng của nông dân; mỗi năm qua bình xét cho thấy, tỷ lệ hộ đạt Nông dân SXKD giỏi năm sau cao hơn năm trước. Từ việc hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào canh tác, năng suất cây trồng cũng tăng lên, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, đời sống khá giả nên có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng quê hương.

Bên cạnh đó, nhằm giúp hội viên nông dân có nguồn vốn đầu tư SXKD phát triển kinh tế, trong năm 2024, HND huyện đã phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội tăng nguồn vốn vay cho nông dân với số tiền 545 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HND và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện còn triển khai xây dựng nhiều dự án với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm; thực hiện 33 dự án về chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng ngành nghề cho 1.089 hộ vay vốn từ nguồn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” với số tiền trên 11 tỷ đồng, đã giúp nông dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng ngành nghề...

Ngoài ra, HND huyện còn phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nông dân SXKD giỏi xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý theo quy định; hỗ trợ nông dân SXKD giỏi xây dựng sản phẩm OCOP... Từ đó, giúp thay đổi nhận thức của người dân trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, đảm bảo các điều kiện về xuất khẩu.

CHUNG TAY XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Theo HND huyện Châu Thành, Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” không chỉ khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa khó, giảm nghèo, thi đua làm giàu, mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

Trong năm 2024, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện duy trì thông thoáng dòng sông, kinh, rạch và hỗ trợ 660 ngày công với số tiền 907 triệu đồng.

hờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học-  kỹ thuật vào sản xuất, mà nhiều mô hình trồng trọt ở huyện Châu Thành mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, mà nhiều mô hình trồng trọt ở huyện Châu Thành mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, phối hợp cùng các tổ chức thành viên vận động cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo và nhân dân ủng hộ, đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội; xây mới và sửa chữa 632 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương...; giúp học sinh nghèo vượt khó học tốt; khám, chữa bệnh; tặng quà cho hộ nghèo nhân các dịp lễ, tết.

Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” luôn gắn kết Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiều hộ SXKD giỏi đã thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, nhất là đối với các hộ nông dân nghèo bằng cách tự nguyện giúp đỡ hộ khó khăn về cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định.

Ngoài ra, chuyên đề đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân SXKD giỏi thực hiện công tác xã hội từ thiện, an sinh xã hội ở địa phương. Điển hình như: Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi chim cút xã Long An; ông Lê Thanh Tùng, nông dân SXKD giỏi xã Vĩnh Kim; ông Nguyễn Nghĩa Dũng, nông dân SXKD giỏi xã Dưỡng Điềm… đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho học sinh nghèo, xây dựng mái ấm tặng cho hộ nông dân nghèo.

hờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học-  kỹ thuật vào sản xuất, mà nhiều mô hình trồng trọt ở huyện Châu Thành mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, mà nhiều mô hình trồng trọt ở huyện Châu Thành mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch HND huyện Châu Thành Trần Trung Đông cho biết, có thể khẳng định, Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” trên địa bàn huyện Châu Thành đã phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu. Những chương trình, dự án đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” trên địa bàn huyện.

Nông dân thi đua SXKD giỏi không những mang lại đời sống vật chất ngày càng cao, mà còn giúp cho nông dân thay đổi tư duy, suy nghĩ và cách làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, giúp đỡ những hộ khó khăn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để làm giàu cho gia đình, cho quê hương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Với những kết quả đạt được cho thấy, Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKD giỏi” tại huyện Châu Thành đã từng bước đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nông dân trong huyện. Qua chuyên đề đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến trong SXKD, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

H. THU - N. YÊN -T.T

.
.
.