.

Huyện Chợ Gạo: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Cập nhật: 08:52, 18/12/2024 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết 11 ngày 13-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có 44 sản phẩm OCOP tại 17 xã, thị trấn trong huyện. Nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện đã dần phát triển mạnh về số lượng và chất lượng.

CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN NÔNG SẢN CHỦ LỰC

Thực hiện Chương trình OCOP, những năm qua, huyện Chợ Gạo phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có.

Huyện Chợ Gạo hiện có 44 sản phẩm OCOP tại 17 xã, thị trấn.
Huyện Chợ Gạo hiện có 44 sản phẩm OCOP tại 17 xã, thị trấn.

Điển hình là sản phẩm trứng gà ác của Công ty TNHH thương mại và chăn nuôi Hoàng Gia Huy, ấp An Lạc B, xã Lương Hòa Lạc. Do được nuôi đúng chuẩn an toàn sinh học từ con giống tốt, chuồng trại hợp vệ sinh đến chọn lựa thức ăn không kháng sinh, không chất cấm, nhất là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc thú y nên chất lượng trứng đạt an toàn thực phẩm.

Từ các ưu điểm này, năm 2023, trứng gà ác của công ty được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, sản phẩm trứng gà thảo dược nấm linh chi của Công ty TNHH Hồng Đạt Farm (xã Tân Thuận Bình), sản phẩm trứng gà của Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng (xã Bình Phan) là những sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Một sản phẩm OCOP khác của huyện Chợ Gạo cũng đang giữ vị thế tốp đầu trên thị trường hiện nay là Trà mãng cầu Phụng Tiên của Hợp tác xã (HTX) sản xuất thương mại nông nghiệp Bình Phan. 7 năm qua, trà mãng cầu Phụng Tiên không ngừng nâng cao chất lượng, ngày càng hoàn thiện hơn về hương vị, mẫu mã, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngoài ra, sản phẩm socola của Công ty TNHH ca cao Xuân Ron (xã Bình Ninh) có 16 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, trong đó, có 2 sản phẩm socola đen mật hoa dừa và socola mắc kén của công ty vừa được công nhận OCOP 4 sao.

HTX Bình Phục Nhứt đã xây dựng sản phẩm gạo “Bình dân” đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Văn Trạng, Giám đốc HTX cho biết: “Phát triển sản phẩm OCOP giúp HTX nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ khi được công nhận sản phẩm đạt OCOP, doanh thu, lợi nhuận hằng năm của HTX tăng ổn định.

Trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, điều quan trọng đối với các HTX là phải thực hiện theo quy trình khép kín. Đặc biệt, là phải thắt chặt mối liên kết giữa “4 nhà”. Đó chính là bàn đạp vững chắc, là cầu nối thành công cho HTX”.

NÂNG CAO CHẤT VÀ LƯỢNG SẢN PHẨM OCOP

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo Nguyễn Thị Kim Hằng cho biết, các sản phẩm được công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp của người dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

"Các sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.

Việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHỢ GẠO CAO TẤN HƯỞNG

Chương trình OCOP cũng giúp các chủ thể tự nhìn nhận, đánh giá chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hướng đến phát triển bền vững.

Xác định đúng hướng đi cho sản phẩm nông sản địa phương, tiếp tục khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, huyện triển khai chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia đạt OCOP.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện phối hợp với tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ nông nghiệp cấp xã và các chủ thể OCOP với nhiều nội dung đa dạng như: Kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử; đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; quản lý dữ liệu nông nghiệp trên hệ thống phần mềm chuyên ngành…

Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã sáng tạo, đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ làm ra sản phẩm chất lượng. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý sản phẩm OCOP của các HTX, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP.

LÊ PHƯƠNG

 

.
.
.