.

Kỳ tích xuất khẩu gạo 2024 có dễ duy trì trong năm sau?

Cập nhật: 21:14, 10/12/2024 (GMT+7)

Ngành gạo Việt lập kỳ tích cả về số lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Thế nhưng, kết quả lạc quan này khó được duy trì trong năm 2025…

Kỳ tích của ngành lúa gạo khó có thể lặp lại trong năm 2025. Ảnh: Trung Chánh
Kỳ tích của ngành lúa gạo khó có thể lặp lại trong năm 2025. Ảnh: Trung Chánh

11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 8,5 triệu tấn, trị giá 5,31 tỉ đô la Mỹ, lần lượt tăng 10,6% về lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ, theo báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là con số kỷ lục ngành gạo đạt được, bởi cả năm ngoái chỉ đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,67 tỉ đô la Mỹ.

Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường lúa gạo đang có sự phân hoá, trong đó, phân khúc cấp thấp được điều chỉnh giảm trước áp lực gạo giá rẻ của Ấn Độ bao trùm lên thị trường toàn cầu...

Phân hoá “cao- thấp” rõ nét

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Út, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang- địa phương có lúa đông xuân sớm thu hoạch trước Tết Nguyên đán cho biết, thương lái đang đẩy mạnh đặt cọc mua lúa Đài Thơm 8 với giá 9.200-9.300 đồng/kg và 9.000-9.100 đồng/kg đối với các giống hạt dài chất lượng cao như OM 5451.

Dữ liệu thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, bình quân các loại lúa hạt dài chất lượng cao và gạo nguyên liệu ở phân khúc này cũng tăng 300-600 đồng/kg so với tuần trước đó.

Trong bối cảnh phân khúc gạo chất lượng cao/gạo thơm sôi động, thì gạo cấp thấp liên tục được điều chỉnh giảm trước áp lực “xả kho” giá thấp của Ấn Độ.

Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán với mức giá chỉ còn 513-517 đô la Mỹ/tấn; 25% tấm có giá 480-484 đô la Mỹ/tấn, lần lượt giảm 56 và 41 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại, hồi cuối tháng 9-2024. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ thời điểm cuối tháng 7-2023 đến nay.

Không chỉ Việt Nam, phân khúc gạo 5% và 25% tấm của các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng giảm mạnh ở thời điểm hiện tại so với trước đó. Trong đó, gạo 5% và 25% của Thái Lan hiện có giá lần lượt chỉ 503-507 và 457-461 đô la Mỹ/tấn; Pakistan chào bán 454-458 và 423-427 đô la Mỹ/tấn lần lượt với gạo 5% và 25% tấm.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) giải thích, Ấn Độ “đè” giá xuất khẩu gạo thời gian gần đây chỉ tác động đối với phân khúc gạo trắng 5% và 25% tấm của Việt Nam (gạo của giống IR 50404 và OM 380) còn phân khúc gạo thơm không bị ảnh hưởng.

“Gạo thơm hay OM 5451(gạo hạt dài) hiện giá đang cao vì hai loại này có thể “mix” (đấu trộn) để đi theo phân khúc gạo thơm. Việc “mix” OM 5451 vào gạo thơm sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu hạ giá thành sản phẩm”, ông Thành giải thích.

Cũng theo ông Thành, hiện gạo thơm Việt Nam đang “hút khách” do nguồn cung của đối thủ cạnh tranh là Thái Lan bị hạn chế. Trong khi đó, gạo thơm của Ấn Độ thuộc dạng hàng cao cấp, tức không cùng phân khúc khách hàng với Việt Nam.

Thực tế, theo VFA, gạo thơm Jasmine của Việt Nam hiện được chào bán ở mức giá xấp xỉ 700 đô la Mỹ/tấn, tăng khoảng 25 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11-2024.

Việc nguồn cung phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam đang hạn chế, trong khi đó, nhu cầu trong nước cho mùa tiêu dùng cuối năm tăng cũng khiến giá lúa gạo thơm/chất lượng cao được thương lái đẩy lên cao.

 Năm 2025 có còn duy trì sự lạc quan?

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo dự báo, giá bán lẫn thành tích xuất khẩu của ngành gạo Việt Nam đạt được trong năm 2024 sẽ khó được duy trì trong năm 2025.

Ông Thành của Angimex nhận định, khi vụ đông xuân 2024-2025 bước vào giai đoạn thu hoạch rộ giá sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi lẽ, Indonesia và Philippines sẽ mua chậm lại trong năm 2025 vì lượng nhập khẩu đạt kỷ lục trong năm 2024. Thêm vào đó, giá cao của các loại lúa thơm/chất lượng cao ở thời điểm hiện tại sẽ “kích thích” nông dân dịch chuyển sản xuất phân khúc sản phẩm này nhiều hơn, nguồn cung tăng dẫn đến áp lực giảm giá tăng theo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi nhận định, áp lực gạo giá rẻ của Ấn Độ sẽ khiến gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có khả năng sẽ còn giảm sâu hơn trong năm 2025. Thậm chí, nhu cầu gạo công nghiệp ở Việt Nam vẫn phải sử dụng nguồn của Ấn Độ.

Gạo cấp thấp giảm mạnh sẽ tác động dây chuyền kéo phân khúc chất lượng cao/gạo thơm giảm theo, nhất là khi áp lực nguồn cung quá lớn do nông dân dịch chuyển sản xuất cũng như việc Campuchia - vốn là nơi cung cấp số lượng lớn lúa sang Việt Nam - cũng ồ ạt chuyển sang sản xuất giống chất lượng cao (OM 5451).

Bối cảnh nêu trên, theo ông Thành, kịch bản xấu nhất có thể khiến gạo thơm/chất lượng cao thậm rớt xuống mức giá ngang bằng với giống IR 50404, OM 380. Trong quá khứ đã từng xảy ra tình trạng này, tuy nhiên, vẫn kỳ vọng một kịch bản lạc quan hơn, tức giá sẽ rớt, nhưng không quá sâu.

Với những nhận định nêu, nhất là khi triển vọng nhu cầu thị trường thế giới ảm đạm, một kỳ tích cho xuất khẩu gạo Việt Nam như năm 2024 khó có thể được lặp lại trong năm 2025…

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.