.

Để du lịch đường sông ĐBSCL "xuôi chèo mát mái", quy hoạch là vấn đề cốt lõi

Cập nhật: 14:19, 08/12/2024 (GMT+7)

Các tuyến du lịch đường sông từ TPHCM kết nối đến Đồng bằng sông Cửu Long cũng như giữa các địa phương trong vùng bước đầu đã được phác hoạ. Tuy nhiên, để khai thác tối ưu loại hình du lịch này vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó điều đầu tiên và quan trọng nhất là quy hoạch sản phẩm.

Cảng du thuyền Mỹ Tho - một điểm trung chuyển kết nối các tuyến du lịch đường sông ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
Cảng du thuyền Mỹ Tho - một điểm trung chuyển kết nối các tuyến du lịch đường sông ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Các đơn vị liên quan trong ngành du lịch vừa có chuyến khảo sát hiện trạng và khả năng phát triển du lịch đường sông kết nối giữa TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như giữa các địa phương trong vùng. Trong đó, định hướng sơ bộ đã phác thảo được rất nhiều tuyến có tiềm năng phát triển.

Với việc đẩy mạnh khai thác mảng du lịch đường sông - vốn là lợi thế của ĐBSCL - được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng lớn du khách lẫn doanh thu, chứ không chỉ dừng lại ở khoảng 52 triệu khách và 62.000 tỉ đồng doanh thu như năm 2024 này.

Phác thảo nhiều tuyến du lịch đường sông

Tại toạ đàm “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TPHCM - các tỉnh, thành ĐBSCL” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội cho biết, với 28.000 km đường thuỷ là cơ sở quan trọng xây dựng, phát triển các tuyến giao thông rộng khắp ĐBSCL.

Tuy nhiên, để cấu thành du lịch đường sông phải có 6 yếu tố cơ bản, bao gồm thứ nhất, là cơ sở hạ tầng, tức bến bãi, cầu cảng, hạ tầng giao thông kết nối các điểm tham quan; thứ hai, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đường sông, trong đó, có cơ sở lưu trú, điểm tham quan, mua sắm, ăn uống.

Thứ ba, là các phương tiện vận chuyển, trong đó, các loại phương tiện vận chuyển phải phù hợp với sản phẩm du lịch và điều kiện hạ tầng của từng tuyến; thứ tư, là phải có sản phẩm du lịch đường sông.

Hai yếu tố cuối cùng, là sự “hấp dẫn” của nguồn nước, môi trường, cảnh quan, nhất là yếu tố con người, văn hoá sông nước và dịch vụ du lịch đường sông, tức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá nghệ thuật, hoạt động thể thao trên nước. “Để một sản phẩm du lịch đường sông hoàn chỉnh chúng ta phải có 6 yếu tố cấu thành như vậy”, ông Huy nhấn mạnh.

Từ những yếu tố cấu thành du lịch đường sông như nêu trên, bà Hồng Thu Mai, Trưởng phòng cung ứng dịch vụ và sản phẩm của Công ty TNHH MTV Du lịch lữ hành Saigontourist đánh giá, du lịch đường sông là lợi thế trong ngành du lịch của TPHCM và ĐBSCL. “Khu vực này đang sở hữu mạng lưới sông dày đặc, cảnh quan thiên nhiên đẹp và nền văn hoá sông nước đặc trưng”, bà dẫn chứng.

Qua khảo sát cũng như căn cứ vào tiềm năng, các yếu tố chính để cấu thành du lịch đường sông, ông Huy gợi ý, khu vực ĐBSCL nên chọn 4 trung tâm trung chuyển lớn để kết nối, phát triển các tuyến du lịch nội vùng, bao gồm cảng du thuyền Mỹ Tho (Tiền Giang); bến cảng hành khách Vĩnh Long (Vĩnh Long); bến tàu khách du lịch Cần Thơ (Cần Thơ) và bến tàu du lịch Châu Đốc (An Giang).

Theo đó, bước đầu các đơn vị liên quan đã “vẽ” được 22 tuyến kết nối với 4 trung tâm trung chuyển lớn như nêu trên. Trong đó, từ cảng du thuyền Mỹ Tho có 5 tuyến; từ bến cảng hành khách Vĩnh Long có 5 tuyến; 7 tuyền xuất phát từ bến tàu khách du lịch Cần Thơ và 5 tuyến xuất phát từ bến tàu du lịch Châu Đốc.

“Chẳng hạn, tuyến từ cảng du thuyền Mỹ Tho đi Bến Tre: tham quan khu du lịch Cồn Phụng, chùa Vĩnh Tràng, khu du lịch sinh thái Riverside Garden”, ông Huy dẫn chứng.

Trong khi đó, định hướng sẽ hình thành 12 tuyến du lịch đường sông kết nối TPHCM với ĐBSCL. Trong đó, có tuyến TPHCM - Long An - Tiền Giang, với lịch trình tham quan xuất phát từ bến Bạch Đằng - Khu du lịch Long Hữu Tây - Di tích nhà trăm cột - Pháo đài Rạch Cát - bến trải nghiệm du thuyền, thuyền buồm Tân Viễn Đông.

Ngoài ra, qua khảo sát, các đơn vị liên quan của ngành du lịch cũng đã đề xuất ý tưởng hình thành các tuyến du lịch kết hợp đường hàng không - đường sông; đường sông - đường biển và đường sông kết nối từ TPHCM - ĐBSCL - Campuchia… “Có rất nhiều tuyến có thể thiết kế để khai thác, không kể hết được, nhưng ở đây chúng tôi chọn một số điểm, tour tuyến để làm sao quy hoạch, kết nối với nhau nhằm đầu tư để có thể khai thác được”, ông Huy nhấn mạnh.

Phải có quy hoạch sản phẩm du lịch đường sông. Trong ảnh là chợ nổi Cái Răng, một sản phẩm du lịch tiêu biểu của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
Phải có quy hoạch sản phẩm du lịch đường sông. Trong ảnh là chợ nổi Cái Răng, một sản phẩm du lịch tiêu biểu của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Phải có quy hoạch sản phẩm

“Vẽ” các tuyến du lịch đường sông là một chuyện, nhưng đưa vào khai thác được hay không, số lượng bao nhiêu, khi nào… lại là chuyện khác. Bởi lẽ, để hiện thực hoá nhằm thu hút du khách, tạo doanh thu đòi hỏi các bên liên quan phải nỗ lực rất nhiều.

“Hiện nay, đi du lịch trên sông, chúng ta chỉ nhìn, ngắm sông thôi, chưa có phương án tạo ra giá trị cộng thêm để thu hút khách du lịch tham gia du lịch đường sông”, ông Huy nhấn mạnh.

Để biến bản vẽ thành hiện thực, theo ông Huy, vấn đề quan trọng nhất các địa phương liên quan cần thực hiện là phải có quy hoạch sản phẩm.

“Tại sao phải quy hoạch sản phẩm trước?” ông Huy đặt câu hỏi và giải thích, vì quy hoạch chính là định hướng để dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia đầu tư. “Có doanh nghiệp đầu tư, chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ được khó khăn, hình thành nên các sản phẩm du lịch đường sông”, ông nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, để kéo doanh nghiệp tham gia, với cơ chế chính sách, thủ tục cần được đơn giản hoá nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ. “Về quy hoạch cũng như thủ tục, nhất là các loại giấy phép về môi trường, an toàn thực phẩm và phòng cháy chữa cháy có thể nghiên cứu giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong xin cấp phép để dễ phát triển hơn”, ông Lê Quang Lộc, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Bảo Khôi (Bến Tre) đề xuất.

Sau khi đã có quy hoạch, quá trình phát triển sản phẩm, thiếu cái gì, địa phương, doanh nghiệp cùng nhau tháo gỡ mới có thể ra được sản phẩm.

Bà Mai của Saigontourist đề xuất, cần phải nâng cao hạ tầng và dịch vụ du lịch, trong đó, phải đầu tư hạ tầng đường sông, cầu cảng, bến tàu và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông, bao gồm mở thêm các tuyến kết nối du lịch đường sông giữa TPHCM với ĐBSCL.

Đồng quan điểm, ông Lê Minh Quang, Giám đốc phát triển Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm đề xuất, cần triển khai các dự án hạ tầng đường thuỷ, nhất là các dự án bến cảng hành khách đủ năng lực tiếp nhận hành khách, đáp ứng du thuyền lớn/du thuyền hạng sang để thu hút khách cao cấp đến với ĐBSCL.

Trong khi đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch đường sông của một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Thái Lan, TS Nguyễn Quốc Nghi, đến từ Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (trường Đại học Cần Thơ), gợi ý một số nội dung cần đáp ứng để phát triển thành công du lịch đường sông cho ĐBSCL, bao gồm thứ nhất, phải có chiều sâu trong tiếp thị; thứ hai, cần có câu chuyện/giai thoại gắn liền với du lịch đường sông.

Ngoài ra, cần có sự đa dạng tour tuyến để du khách lựa chọn; hạ tầng du lịch phải được đầu tư hoàn thiện, nhất là cảng, bến tàu; môi trường du lịch tốt; vấn đề ẩm thực và lễ hội cũng cần phải quan tâm đầu tư.

Sông là đặc trưng của ĐBSCL, cùng với điều kiện tự nhiên, văn hoá và con người là tài nguyên lớn để phát triển loại hình du lịch đường sông cho vùng này. Thế nhưng, để bản vẽ biến thành hiện thực, đòi hỏi các bên liên quan phải cùng nhau bắt tay hành động, trong đó, quan trọng nhất là phải quy hoạch sản phẩm du lịch đường sông để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.