.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Lan tỏa, khơi dậy tiềm năng địa phương

Cập nhật: 11:18, 02/01/2025 (GMT+7)

Với việc tập trung triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã dần tạo sức lan tỏa rộng lớn, khơi dậy tiềm năng địa phương.

Ngày càng có nhiều chủ thể tham gia với nhiều sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP. Chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP không ngừng được cải tiến, nâng cao, góp phần mở rộng thị trường.

SỨC LAN TỎA TỪ SẢN PHẨM OCOP

Nhận thấy những lợi ích từ Chương trình OCOP mang lại, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ được chứng nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể đã có cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả.

Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phát triển và nâng chất các sản phẩm OCOP.
Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phát triển và nâng chất các sản phẩm OCOP.

Từ khi triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu - Cục Hậu cần, Quân khu 9 đã tích cực nghiên cứu để tham gia. Thượng tá Nguyễn Hồng Phúc, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu cho biết, sau thời gian tích cực xây dựng, Điểm du lịch Trại rắn Đồng Tâm đã được tỉnh Tiền Giang công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ngoài ra, đơn vị còn có 6 sản phẩm OCOP 3 sao như thực phẩm, mỹ phẩm…

Việc được công nhận sản phẩm OCOP đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Trước hết là tăng uy tín sản phẩm, qua đó giúp người dân và khách hàng càng thêm tin tưởng sản phẩm.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đến nay, toàn tỉnh hiện có 336 sản phẩm OCOP gồm: 18 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 70 sản phẩm 4 sao và 248 sản phẩm 3 sao của 160 chủ thể tham gia.

Số lượng sản phẩm OCOP không ngừng tăng qua từng năm cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng địa phương.

So với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đóng góp 11,09% tổng số sản phẩm OCOP của vùng, xếp thứ 3 sau tỉnh Đồng Tháp và Trà Vinh.

Trong bức tranh toàn quốc, Tiền Giang đã ghi dấu ấn rõ nét với sự tăng trưởng vượt bậc từ 28 sản phẩm OCOP năm 2020 lên 336 sản phẩm vào năm 2024.

Sau thời gian tích cực tham gia, Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm (huyện Gò Công Tây) hiện có 5 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Bà Huỳnh Thị Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm cho biết, trước đây, khi chưa tham gia Chương trình OCOP, nhiều người chưa biết đến các sản phẩm mắm của công ty, nhất là mắm tôm chà.

Thông qua Chương trình OCOP, công ty được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành. Qua đó, sản phẩm của công ty đã được nhiều người biết đến.

Các sản phẩm của doanh nghiệp đã được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng bán quà lưu niệm…, chủ yếu được phân phối ngoài tỉnh Tiền Giang. Hiện công ty đang tập trung khai thác sang lĩnh vực ẩm thực du lịch, những cửa hàng bán đặc sản, nhà hàng… để đưa vào ẩm thực phục vụ thực khách.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Chương trình OCOP được tổ chức, triển khai tương đối đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa phương. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu để gia tăng giá trị sản phẩm, như: Lúa gạo, sản phẩm từ cây ăn trái và thủy sản.

Toàn tỉnh hiện có hơn 160 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, như: Sầu riêng, xoài, thanh long, khóm, gạo đặc sản… Sản phẩm OCOP đã bám sát các yêu cầu của chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt là được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang tăng mạnh về số lượng, vượt mục tiêu ban đầu đề ra là đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Nhiều chủ thể sản xuất sau khi có sản phẩm được công nhận OCOP từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đã được chủ thể đưa vào sản xuất phát triển mạnh trên thị trường. Nhiều sản phẩm được đưa vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, giỏ quà tặng...

Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP ban đầu từ cơ sở phát triển lên thành doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm…

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT SẢN PHẨM OCOP

Thực tế cho thấy, dù Chương trình OCOP thời gian qua đã tạo sức lan tỏa rộng lớn, phát triển về số lượng và chất lương, nhưng vẫn còn gặp một số hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn, phát triển mới và nâng chất các sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP ngày càng lan tỏa trên địa bàn tỉnh.
Chương trình OCOP ngày càng lan tỏa trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Văn Thạch, chủ hộ kinh doanh A Thạch (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy), từ khi sản phẩm lạp xưởng của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở được thuận lợi hơn.

Người tiêu dùng tin tưởng hơn vào chất lượng của sản phẩm. Trong thời gian tới, cơ sở sẽ tập trung nâng hạng sản phẩm lạp xưởng từ OCOP 3 sao lên 4 sao, bởi yêu cầu về chất lượng của thị trường ngày càng cao. Bên cạnh đó, cơ sở cũng sẽ xây dựng sản phẩm nem nướng đạt chuẩn OCOP, góp phần tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm.

Sản phẩm lạp xưởng của Cơ sở lạp xưởng tươi Kim Thanh (xã An Hữu, huyện Cái Bè) được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào giữa năm 2024. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ Cơ sở lạp xưởng tươi Kim Thanh cho biết, khi chưa tham gia Chương trình OCOP, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đơn vị bị giới hạn.

Tham gia xây dựng sản phẩm OCOP giúp việc sản xuất của cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Trong thời gian tới, cơ sở sẽ tập trung thực hiện nâng cao chất lượng để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.

Còn Công ty TNHH TMDV Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) là một trong những đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh Tiền Giang. Hiện công ty có 32 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn cho biết, hiện công ty đang có kế hoạch nâng hạng một số sản phẩm OCOP lên 5 sao. Sản phẩm OCOP nào có tiềm năng xuất khẩu sẽ được công ty tập trung thực hiện để nâng hạng lên 5 sao.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 3 - 5 điểm du lịch nông thôn và đề xuất từ 3 - 5 sản phẩm đạt từ 90 điểm trở lên gửi về Bộ NN&PTNT. Để Chương trình OCOP ngày càng tạo sức lan tỏa, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh quảng bá sâu rộng hơn, đặc biệt tại cấp xã.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để nâng cao hiểu biết về sản phẩm OCOP cho cán bộ địa phương và các chủ thể tham gia. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng sẽ hỗ trợ, cập nhật thông tin sản phẩm OCOP lên Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang, sàn buudien.vn và các sàn thương mại điện tử khác.

Tỉnh sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống và lợi thế của địa phương; hướng dẫn đánh giá lại các sản phẩm hết hạn, sắp hết hạn. Tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai Kế hoạch “Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và phát triển sản phẩm OCOP”.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch hoàn chỉnh các tiêu chí để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Một trong những nội dung quan trọng là thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bao gồm: Đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ liên kết, tư vấn phát triển sản phẩm và thương hiệu. Tỉnh chú trọng nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận OCOP để khẳng định chất lượng, giá trị và thương hiệu.

Song song đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm sạch; phát triển các điểm bán hàng sản phẩm OCOP…

MINH THÀNH

.
.
.