.

Năm mới, khát vọng mới

Cập nhật: 12:13, 01/01/2025 (GMT+7)

Vậy là năm 2024 đã chính thức khép lại, mở ra thêm một hành trình mới cho đất nước để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong hành trình ấy, Tiền Giang cũng không ngừng nỗ lực để vươn lên.

1. Cùng với cả nước, Tiền Giang vừa trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng gặt hái rất nhiều thành công trên các lĩnh vực. Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết 25 ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy. Đây được xem là năm có ý nghĩa quan trọng, làm tiền đề cho việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Năm 2025, Tiền Giang nỗ lực, quyết tâm chạm đến những đích đến mới. 											          Ảnh: TRUNG HẬU
Năm 2025, Tiền Giang nỗ lực, quyết tâm chạm đến những đích đến mới. Ảnh: TRUNG HẬU

Thế nhưng, ngay từ đầu năm 2024, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Tiền Giang được xây dựng trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Theo dự báo kinh tế - xã hội, nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó dự báo.

Những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng ở một góc nhìn khác, dự báo khả năng nền kinh tế Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng sẽ có sự chuyển biến tích cực và phát triển mạnh mẽ; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa những nhân tố tích cực, tập trung thực hiện có hiệu quả những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa, để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tốt nhất.

Chưa kể, lãi suất điều hành tiếp tục được kéo giảm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý, được hấp thụ vào hoạt động kinh tế; thị trường các nước truyền thống và mới của tỉnh tiếp tục phục hồi tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu và du lịch…, là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Dựa trên cơ sở dự báo, đánh giá, phân tích đúng với tình hình thực tiễn, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, điều hành có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng, kết quả rõ nét nhất là hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đầu năm 2024 đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch: Sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu tăng trưởng tốt; thu hút đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá so với cùng kỳ; an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục được đảm bảo…

Một số kết quả nổt bật mà Tiền Giang đạt được như: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 tăng 7,02%, đạt kế hoạch; dự kiến cả năm 2024 thu hút 20 dự án đầu tư mới, tăng 3 dự án so cùng kỳ, với số vốn là 8.500 tỷ đồng; có 13 dự án đăng ký tăng vốn, tăng 4 dự án so cùng kỳ, vốn tăng thêm là 8.500 tỷ đồng; tổng vốn thu hút đạt 17.000 tỷ đồng, tăng hơn 49% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện trong năm 2024 đạt hơn 11.384 tỷ đồng, đạt hơn 129% so với dự toán, tăng hơn 11% so với cùng kỳ…

2. Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, nên Tiền Giang phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh và cả nước. Nhìn ở khía cạnh lạc quan hơn, năm 2025 cũng được dự báo tình hình cả nước nói chung sẽ có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Cầu Rạch Miễu 2  đang dần hình thành.
Cầu Rạch Miễu 2 đang dần hình thành.

Dựa trên những yếu tố dự báo này, khả năng nền kinh tế cả nước nói chung và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng sẽ có sự phát triển tốt, góp phần củng cố các yếu tố nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trên cơ sở dự báo những thuận lợi, thách thức tác động đến kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong năm 2025, UBND tỉnh quyết tâm, nỗ lực chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi, chủ động triển khai ngay từ cuối năm 2024 để tạo đà tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch năm 2025, trên mặt trận kinh tế, được đề xuất cụ thể là: Tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) đạt 7,0% - 7,5%, xuất khẩu đạt 6,3 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.590 tỷ đồng, có khoảng 910 doanh nghiệp thành lập mới…

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trên mặt trận kinh tế, chắc chắn Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện tốt nhiều nội dung trọng tâm. Đó là triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Tiền Giang xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh theo quy định và chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm 2025 - 2030; đồng thời, thực hiện cập nhật, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện... để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong phát triển.

Đó là Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện các đề án trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến hàng nông - thủy sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản xuất nông nghiệp.

Cụm công nghiệp Gia Thuận 1  (huyện Gò Công Đông) đã thu hút  được một số nhà đầu tư thứ cấp.
Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 (huyện Gò Công Đông) đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp.

Đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Công nghiệp của tỉnh, tháo gỡ khó khăn về đất đai, mặt bằng đối với 2 khu vực còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển công nghiệp là vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và khu vực phía Đông của tỉnh (ven sông Soài Rạp); thực hiện tốt rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển công nghiệp; đồng thời, tổ chức triển khai tốt các dự án đầu tư đã có chủ trương đầu tư, nhất là Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp sau khi chuyển giao cho tỉnh, phát triển một số cụm công nghiệp ở những địa bàn có điều kiện.

Chưa kể, Tiền Giang sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đa dạng các loại  hình  dịch  vụ; phát triển các đô thị trung tâm 3 vùng; phấn đấu phát triển
TX. Cai Lậy lên thành phố thuộc tỉnh vào năm 2030...

Năm 2025 là năm rất quan trọng, năm kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025 đồng thời tạo tiền đề để xây dựng các kịch bản cho nhiệm kỳ 2026 - 2030 nên chắc chắn Tiền Giang còn nhiều việc phải làm. Thế nhưng, dựa trên nền tảng hiện hữu, cùng sự nỗ lực, quyết tâm, Tiền Giang sẽ chạm đến những đích đến mới, khát vọng mới cũng bắt đầu. Tiền Giang sẽ cũng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

T. ANH

 

.
.
.