.

Thơm ngon bánh tráng Hậu Thành

Cập nhật: 15:28, 24/01/2025 (GMT+7)

Về xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trong những ngày nắng đẹp cuối năm, không khó để nhận ra hình ảnh quen thuộc, những chiếc bánh tráng trắng mịn phơi dài trên những giàn tre, tỏa hương thơm dịu nhẹ từ đầu làng đến ngõ xóm.

Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành, huyện Cái Bè.
Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành, huyện Cái Bè.

Tại Hậu Thành, nghề làm bánh tráng đã có từ rất lâu, truyền từ đời này sang đời khác. Theo các vị cao niên, hơn bao giờ hết, bánh tráng Hậu Thành không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của tinh thần lao động, sự sáng tạo và tâm hồn của người dân nơi đây.

Những chiếc bánh tráng ở đây mang đặc trưng và hương vị riêng với lớp bột gạo trắng ngần, vị béo ngậy tự nhiên và thơm ngon đặc biệt nhờ công thức gia truyền. Từ cách chọn lựa gạo, ngâm bột, đến khâu tráng bánh và phơi nắng, tất cả đòi hỏi độ khéo léo và tâm huyết.

Ông Huỳnh Văn Cuội, người có thâm niên làm bánh hơn 40 năm chia sẻ, ngày trước làm bánh bằng tay, nay có thêm máy móc hỗ trợ. Bí quyết của nghề nằm ở cách pha bột, tráng bánh, canh lửa, tất cả đều dựa vào kinh nghiệm lâu năm.

Theo những người có thâm niên làm nghề, bí quyết làm nên thành công một chiếc bánh là lượng bột phải chuẩn xác, được cân, đong một cách vừa phải. Bột được tán ra đều tay, động tác phải nhanh, chuẩn và chính xác. Bánh được hấp bằng hơi nước tầm khoảng 1 phút là chín.

Bánh sau khi tráng xong được xếp đều trên vỉ đem phơi nắng. Cái khó của nghề là phụ thuộc vào thời tiết, vào mùa mưa, cả xóm phải tranh thủ lúc trời nắng để phơi bánh.

Năm 2003, Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề hoạt động trên 4 ấp, với quy mô 103 hộ, có 335 lao động. Thu nhập bình quân của các hộ còn tùy thuộc vào thời điểm và sản lượng làm ra, bình quân 1 hộ từ 4 - 5 triệu đồng/tháng và phải sử dụng ít nhất là 2 lao động trở lên; doanh thu khoảng 240 triệu/năm. Bánh tráng Hậu Thành có 2 loại: Bánh tráng dừa làm từ gạo, mè và nước cốt dừa và bánh tráng trắng để phục vụ cho các bữa ăn dân dã.

Nhờ sự khéo léo và tâm huyết của người làm nghề, bánh tráng Hậu Thành không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn vươn xa đến các tỉnh, thành lớn và nước ngoài, trở thành niềm tự hào của người dân Hậu Thành. Chị Nguyễn Thị Lan, một người con xa quê cho biết: “Mỗi lần về quê, tôi lại mang theo vài xấp bánh tráng làm quà. Hương vị này khiến tôi nhớ quê da diết, nhớ đến hình ảnh mẹ và bà cặm cụi bên bếp lò”.

Mặc dù công nghệ sản xuất ngày càng phát triển, Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành vẫn giữ được nét đặc trưng trong từng chiếc bánh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các hộ sản xuất đang cùng nhau xây dựng thương hiệu Bánh tráng Hậu Thành, cải tiến bao bì, nâng cao chất lượng để đáp ứng thị trường rộng lớn hơn.

Những năm gần đây, trước áp lực từ sự hiện đại hóa và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, nhiều nghề truyền thống đã phải đối mặt với nguy cơ bị mai một dần. Tuy nhiên, tại Hậu Thành, tinh thần bảo tồn nghề truyền thống vẫn rất mạnh mẽ.

Để duy trì làng nghề không bị mai một và góp phần phát triển làng nghề truyền thống, huyện Cái Bè đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. UBND các xã có làng nghề đã xây dựng các kế hoạch và có báo cáo về công tác triển khai tuyên truyền về tầm quan trọng của làng nghề, làng nghề truyền thống đối với kinh tế - xã hội trên địa bàn xã; cấp phát tài liệu tuyên truyền hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn, hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch và có báo cáo về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề; báo cáo kết quả thực hiện thu gom và xử lý chất thải tại làng nghề…

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Nguyễn Văn Em, bánh tráng Hậu Thành được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi chiếc bánh thơm ngon, đậm đà. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng vào dịp tết thì nhu cầu tăng gấp đôi, gấp ba nên các lò sản xuất bánh hoạt động hết công suất mới đủ bánh cung ứng cho thị trường.

Làng nghề cung ứng cho các thương lái ở các nơi khác đến mua, cũng như bán lẻ cho một số người dân ở địa phương khác đến mua về làm quà, đặc biệt trong dịp tết, giúp người dân nơi đây tăng thu nhập, góp phần vào xây dựng xã Hậu Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

V. PHƯƠNG

.
.
.