.

Tiền Giang: Làng nghề vào vụ tết

Cập nhật: 08:46, 08/01/2025 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, những ngày cuối năm, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lại tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tết.

RỤC RỊCH VÀO MÙA

Thời điểm này, một số làng nghề trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng và bước vào mùa sản xuất tết. Những ngày này, người dân ở Làng nghề Bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho) đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguyên liệu để khởi động sản xuất phục vụ thị trường tết. Làng nghề Bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận vào năm 2007.

Các cơ sở sản xuất cá khô đang tăng tốc sản xuất vào những ngày cuối.
Các cơ sở sản xuất cá khô đang tăng tốc sản xuất.

Làng nghề hiện có 22 cơ sở sản xuất bánh, bún, hủ tiếu có khoảng 100 lao động tham gia sản xuất quanh năm. Các cơ sở tập trung chủ yếu ở 2 ấp Mỹ Hòa và Hội Gia (xã Mỹ Phong) và một số hộ ở phường 9 (TP. Mỹ Tho). Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là bánh tét, bánh ít, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh tầm, với số lượng sản phẩm bán ra khoảng 120 tấn/tháng.

Những ngày qua, gia đình bà Lê Thị Kim Thu, chủ một cơ sở sản xuất hủ tiếu tại ấp Mỹ Hòa, đã tích cực chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất mùa. Theo bà Thu, bước vào mùa tết, do nhu cầu tiêu thụ hủ tiếu tăng cao nên cơ sở chỉ tạm ngưng sản xuất vào ngày mùng 1 tết. Sản lượng hủ tiếu sản xuất ra tăng gấp đôi so với ngày thường.

Ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất hủ tiếu Mỹ Phong cho biết, tổ hợp tác có 8 cơ sở; trong đó, có 2 cơ sở áp dụng công nghệ mới. Bánh hủ tiếu làm ra không phải phơi nắng nên giảm chi phí sản xuất. “Những ngày qua, các cơ sở đã chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất tết. Dịp tết, số lượng hủ tiếu sản xuất ra tăng hơn gấp 1,5 lần so ngày thường, giữ giá bình ổn. Ở đây, cơ sở làm dựa vào kinh nghiệm, phải chọn kỹ nguyên liệu. Thời tiết tốt thì bánh hủ tiếu sản xuất ra sẽ đạt chất lượng”.

Còn tại Làng nghề Bánh phồng Cái Bè (huyện Cái Bè), những ngày này, không khí sản xuất tết đã bắt đầu sôi động hơn so với ngày thường. Làng nghề tập trung tại ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp và khu 4, thị trấn Cái Bè với khoảng gần 100 hộ sản xuất.

Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm gia đình anh Huỳnh Thanh Phú (khu 4, thị trấn Cái Bè) đang tất bật với công đoạn tách chỉ khoai mì để mang đi xay. Theo anh Phú, khoảng 4 ngày nay, cơ sở bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để phục vụ thị trường tết.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất được khoảng 5.000 cái. Anh Phú chia sẻ: “Ngày thường, trung bình từ 3 - 5 ngày, cơ sở mới sản xuất 1 lần, còn bây giờ ngày nào cũng sản xuất. Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào như: Khoai mì, dừa… đều tăng, do đó giá bán bánh phồng tết năm nay tăng khoảng 2.000 đồng/chục.

Nghề này là truyền thống của người dân địa phương. Tết đến người dân mua để ăn và làm quà biếu nhiều nên sức mua tăng mạnh so với ngày thường. Do đó, những ngày này, gia đình tôi phải dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu tráng bánh”.

SẴN SÀNG CUNG CẤP RA THỊ TRƯỜNG

Cũng như nhiều làng nghề khác, thời điểm này, các hộ dân tại Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) đã tất bật với việc sản xuất tết. Hiện nay, làng nghề có khoảng 40 hộ chuyên sản xuất bánh tráng, nằm trải đều tại 5 ấp của xã Hậu Thành.

Gia đình anh Phú mỗi ngày sản xuất khoảng 5.000 cái bánh tráng phồng để phục vụ thị trường tết.
Gia đình anh Phú mỗi ngày sản xuất khoảng 5.000 cái bánh tráng phồng để phục vụ thị trường tết.

Trong đó, các hộ sản xuất bánh tráng tập trung nhiều ở ấp Hậu Thuận. Khoảng 3 ngày qua, từ 3 giờ sáng, vợ chồng ông Trương Văn Đức (ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành) đã thức dậy để chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tráng. Theo ông Đức, hiện gia đình ông sản xuất đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Mỗi ngày, gia đình ông sản xuất hơn 50 kg bánh.

Ông Đức cho biết: “Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào không tăng nên giá bán bánh tráng cũng bình ổn so với năm trước. Hiện bánh tráng được gia đình bỏ mối với giá 44.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dịp cận tết, giá bán bánh tráng có thể tăng, nhưng không nhiều.

Nhu cầu tiêu thụ bánh tráng đã bắt đầu tăng cách nay khoảng nửa tháng. Hiện tại, gia đình đã sản xuất hết công suất. Do nhà chỉ có vợ chồng làm bánh nên dù nhu cầu cao, nhưng cũng không có tăng sản lượng”.

Rời huyện Cái Bè, chúng tôi tìm về Làng nghề Cá khô Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông). Theo một số hộ sản xuất cá khô tại đây, mọi năm, thời điểm này chính là cao điểm trong sản xuất của làng nghề.

Tuy nhiên, năm nay, các phương tiện đánh bắt hải sản về bờ nghỉ tết sớm nên mùa vụ sản xuất cá khô tết cũng kết thúc sớm khoảng 20 ngày. Thời điểm này, làng nghề đang chạy “nước rút” trong sản xuất vụ tết.

Những ngày qua, Vựa cá khô Thắng Loan (thị trấn Vàm Láng) tranh thủ nguồn nguyên liệu từ những chuyến ghe cuối để làm cá khô. Theo chị Võ Thị Kim Loan, chủ Vựa cá khô Thắng Loan, năm nay, ngư dân đánh bắt hải sản mất mùa, ghe tàu về bờ sớm nên vựa sản xuất ít hơn so với năm trước. Nguồn cung hạn chế nên giá khô các loại tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán năm 2024.

Cụ thể, khô mực các loại tăng khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg so với năm 2024. Trong đó, khô mực loại 1 có giá từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg. Riêng các loại khô khác như: Lưỡi trâu có giá 70.000 đồng/kg, khô cá mối 100.000 đồng/kg, khô cá đù từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, tôm khô loại 1 từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg…

Chị Võ Thị Kim Loan cho biết: “Hiện cơ sở đang bước vào những ngày sản xuất cuối của vụ tết.  Do đó, cơ sở đang tranh thủ thu mua nguyên liệu tập trung sản xuất vào những ngày tới. Năm nay, giá mực khô, tôm khô tăng cao nhất. Dù giá tăng cao, nhưng nguồn cung vẫn rất khan hiếm. Với việc nguồn cung cá khô hạn chế như hiện nay, thời điểm cận tết, giá khô các loại sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ cao”.

ANH THƯ

 

.
.
.