.

Tủ thờ Gò Công: Trăm năm danh bất hư truyền

Cập nhật: 10:21, 03/01/2025 (GMT+7)

Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công ở TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã hình thành từ hơn trăm năm qua và hiện diện trong đời sống tâm linh của cư dân Nam bộ như một hình ảnh gần gũi, thân quen, trở thành nét văn hóa, thể hiện sự hiếu nghĩa trong thờ cúng tổ tiên của nhiều gia đình người Việt.

Từ trung tâm TP. Gò Công, đi dọc theo Quốc lộ 50 về hướng phà Mỹ Lợi vài km, đến khu vực ấp Ông Non, xã Tân Trung, TP. Gò Công, hai bên đường có hàng chục cửa hàng, cơ sở sản xuất, buôn bán tủ thờ, bàn, ghế bằng gỗ. Đó là Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công.

GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, khó khăn, nghề đóng tủ thờ Gò Công ngày nay đã trở thành một làng nghề truyền thống, không chỉ nổi tiếng khắp miền Nam - Bắc, mà còn vươn ra ngoài nước. Qua bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân, những tấm gỗ vốn vô tri vô giác phút chốc biến thành một sản phẩm đời sống có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

 Cơ sở đóng tủ thờ của ông Tám Nhựt, người con thứ tám của ông Ba Đức.
Cơ sở đóng tủ thờ của ông Tám Nhựt, người con thứ tám của ông Ba Đức.

Khi nhắc đến tủ thờ Gò Công, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu Ba Đức. Ông Ngô Tấn Thành (hay còn gọi là ông Tám Nhựt), người con thứ tám của ông Ba Đức chia sẻ, gia đình ông có 9 anh em đều mở cơ sở sản xuất và bày bán sản phẩm tủ thờ, tất cả đều lấy thương hiệu Ba Đức.

Đời ông cố chỉ làm được chiếc tủ thờ Gò Công với 3 trụ, đến đời ông nội thì nâng cấp lên từ 5 đến7 trụ, đến đời cha ông là ông Ba Đức đã phát triển từ 7 trụ dần lên đến 21 trụ. Đặc biệt, vào cuối năm 2013, cha ông đã hoàn thành chiếc tủ với 30 trụ.

Đây được xem là chiếc tủ thờ mang tính kỷ lục cả về số trụ và giá bán lên đến 750 triệu đồng. Chiếc tủ thờ này có 30 trụ đứng, được chạm trổ tinh xảo, mặt tiền được cẩn xà cừ đẹp mắt và được ba ông đóng theo đơn đặt hàng của một nữ khách hàng ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Tên tuổi của tủ thờ Gò Công ngày càng vươn xa và trở thành niềm tự hào cho người dân nơi đây. Ông Tám Nhựt tự hào sản phẩm tủ thờ của các cơ sở Ba Đức còn được Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp ưa chuộng.

Đặc biệt, năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về Tiền Giang đã ghé thăm, động viên các cơ sở sản xuất tủ thờ nơi đây giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống.

Theo chủ các cơ sở, nghề đóng tủ thờ Gò Công là một nghề đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người thợ thủ công lành nghề. Để đóng được chiếc tủ thờ thành phẩm, đạt chất lượng và yêu cầu thẩm mỹ cao, người thợ thủ công phải thực hiện nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, tài  hoa của người thợ.

Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít; đặc biệt, nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời đều là các loại gỗ quý.

Những người đến với nghề làm tủ thờ ở Gò Công đều có sự đam mê, khéo léo nên các sản phẩm của họ thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Qua bàn tay tài hoa, tâm huyết, khiếu thẩm mỹ, sự sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài của các nghệ nhân, chiếc tủ thờ truyền thống Gò Công chứa đựng nhiều giá trị vật chất và tinh thần, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa truyền thống…

Tủ thờ Gò Công có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Trong nhiều gia đình người Việt ở nông thôn cũng như thành thị, tủ thờ Gò Công được đặt trang trọng ở gian nhà, thể hiện tấm lòng, tình cảm thiêng liêng của người thân đối với những người đã khuất. Ngoài mục đích thờ cúng ông bà tổ tiên, tủ thờ còn là nơi để cất giữ đồ vật quý giá; đồng thời, còn là vật trang trí, góp phần tạo nên không gian sang trọng của mỗi ngôi nhà.

Có thể nói rằng, Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, cần được bảo tồn và phát huy để gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng.

GIỮ GÌN, PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công còn được biết đến là nghề “cha truyền con nối”.  Ông Tám Nhựt chia sẻ, gia đình ông có truyền thống nhiều đời đóng và kinh doanh tủ thờ Gò Công. Nếu tính đến đời của ông, thì nghề đóng tủ thờ Gò Công của gia đình đã truyền đến đời thứ 4, thứ 5 và nay đến đời con của ông. Anh Ngô Huỳnh Thành Phát, con ông Tám Nhựt chia sẻ, ngay từ nhỏ, thấy ông và cha rất tâm huyết với nghề đóng tủ thờ, từ đó bản thân luôn cố gắng học hỏi để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.  


Bình quân mỗi tháng, Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm các loại. Sự phồn thịnh của làng nghề là một trong những yếu tố giúp Tân Trung hoàn thành và ra mắt xã nông thôn mới năm 2016, đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 và tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tận dụng thời cơ, các cơ sở đóng tủ thờ Gò Công ở làng nghề tích cực đầu tư máy móc, cơ giới hóa các khâu sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu tủ thờ Gò Công và đa dạng hóa sản phẩm đồ gỗ gia dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngày nay, kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu về tủ thờ cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn, Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công vẫn tiếp tục phát triển, cạnh tranh được với những tủ thờ cao cấp khác.

khảm xà cừ tạo nét độc đáo, tôn vinh giá trị của chiếc tủ thờ Gò Công.
khảm xà cừ tạo nét độc đáo, tôn vinh giá trị của chiếc tủ thờ Gò Công.

Ngoài sản phẩm tủ thờ truyền thống, các cơ sở trong làng nghề còn sản xuất nhiều mặt hàng đồ gỗ nội thất từ bình dân đến cao cấp, phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước như: Tủ, bàn ghế, đồ trang trí nội thất, sản phẩm gỗ phục vụ công trình…

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương kiện toàn cơ sở hạ tầng, giao thông, nâng cấp lưới điện theo chuẩn nông thôn mới phục vụ sản xuất và đời sống đã giúp việc đi lại, giao thương và tiêu thụ sản phẩm tại đây ngày một thuận lợi.

Đồng chí Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND TP. Gò Công cho biết: “Giữ gìn, phát huy nghề truyền thống đóng tủ thờ Gò Công luôn được quan tâm, không chỉ góp phần giữ gìn, tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, mà phát triển làng nghề cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn.

Vì vậy, những năm qua ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề từ Trung ương thì tỉnh, TP. Gò Công đã có nhiều giải pháp, kiện toàn Ban quản lý Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công nhằm đem lại những hiệu quả nhất định”.

Trải qua hơn 1 thế kỷ, nghề đóng tủ thờ Gò Công vẫn được các thế hệ người dân ấp Ông Non giữ gìn và phát triển. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề đóng tủ thờ Gò Công sẽ tồn tại mãi với thời gian.

LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM

 

.
.
.