.

Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức

Cập nhật: 09:41, 19/02/2025 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh giao dịch phổ biến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ TMĐT, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gia tăng, gây nhiều thách thức cho công tác quản lý.

 Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tỉnh Tiền Giang kiểm tra hàng hóa mỹ phẩm kinh doanh trực tiếp và trên nền tảng TMĐT.
Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tỉnh Tiền Giang kiểm tra hàng hóa mỹ phẩm kinh doanh trực tiếp và trên nền tảng TMĐT.

Hiện nay, TMĐT đang phát triển với tốc độ nhanh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số trong giao dịch thương mại giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, mở rộng kênh phân phối và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng như mua sắm thuận lợi, giá cả cạnh tranh, đa dạng sự lựa chọn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, TMĐT cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu vẫn diễn ra trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả vẫn tồn tại và phát triển. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, áp lực giảm giá thành làm cho một số cơ sở kinh doanh tìm cách sản xuất hàng giả để tồn tại. 

Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp còn e dè trong việc phối hợp với cơ quan chức năng chống hàng giả vì lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu. Đặc biệt, mặt trái của kinh tế thị trường cũng góp phần làm suy giảm đạo đức kinh doanh khi một số cá nhân, tổ chức đặt lợi nhuận lên trên hết mà không tính đến hậu quả.

Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, rất cần sự hợp tác của doanh nghiệp và sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT. Cụ thể, đơn vị đã kiểm tra 50 vụ, phát hiện 48 vụ vi phạm (trong đó có 3 vụ chuyển Công an các địa phương: TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và TX. Cai Lậy tiếp tục xử lý).

Tổng số tiền xử lý thu được trên 1,248 tỷ đồng (phạt hành chính 981,49 triệu đồng, buộc nộp lại số thu bất hợp pháp trên 84,366 triệu đồng, phạt nộp chậm 1,185 triệu đồng, bán hàng tịch thu 181,3 triệu đồng), tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,155 tỷ đồng.

Theo Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tỉnh Tiền Giang, hoạt động kinh doanh trên mạng, các trang web còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều cá nhân, tổ chức khai báo thông tin không chính xác, thường xuyên thay đổi địa điểm, thậm chí giả mạo thông tin đăng ký, chủ tài khoản ngân hàng. Một số đối tượng dùng hàng thật để livestream, trưng bày nhưng lại giao hàng kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, lợi dụng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. 

Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc được rao bán công khai trên Facebook, Zalo, YouTube… mà không cần kho chứa, gây khó khăn cho việc xác minh. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nhiều doanh nghiệp vi phạm sẵn sàng nộp phạt vì lợi nhuận lớn hơn mức xử phạt. Khi bị phát hiện, các trang web nhanh chóng đóng cửa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cản trở công tác quản lý nhà nước.

Để đấu tranh hiệu quả với hàng giả, gian lận thương mại trong TMĐT, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tỉnh Tiền Giang đặt ra một số giải pháp trọng tâm, như: Các hiệp hội chống hàng giả cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người tiêu dùng nhận diện hàng kém chất lượng, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm.

Lực lượng quản lý cần linh hoạt trong phương pháp theo dõi, kết hợp nghiệp vụ với công nghệ thông tin để phát hiện, xác minh hành vi vi phạm. Cần tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng thu thập chứng cứ, truy xuất nguồn gốc hàng hóa vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực vận chuyển, giao nhận.

Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh, tạo ý thức tự bảo vệ trong người tiêu dùng, khuyến khích tẩy chay hàng giả. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tránh tư tưởng đây chỉ là nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường. Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành phải chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời báo cáo các tụ điểm, kho hàng nghi vấn để có biện pháp xử lý triệt để.

Có thể thấy, TMĐT là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Để phát huy tối đa tiềm năng của TMĐT và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc ngăn chặn hàng giả, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

LÝ OANH

.
.
.