Quyết tâm đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên
(ABO) Sáng 21-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Trong những năm qua, Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. Chính phủ đã điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sáng tạo các giải pháp, chính sách để chủ động thích ứng với tình hình, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh trước ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, cơn bão số 3…
Năm 2024, Việt Nam đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12 chỉ tiêu vượt; tăng trưởng ước đạt 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, trong khi lạm phát chỉ tăng 3,63%. Người dân, doanh nghiệp gia tăng niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế, là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, có 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025.
Một là, những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới. Hai là, áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kêt, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024.
Ba là, tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù. Bốn là, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Năm là, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng. Sáu là, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài..., tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Bảy là, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế. Tám là, chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%. Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân; các bộ, ngành, địa phương phải khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh…
LÊ MINH