.

Nghị quyết 06-NQ/TU: "Luồng gió" mới cho doanh nghiệp

Cập nhật: 15:24, 06/08/2018 (GMT+7)

(ABO) - Chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang tăng nhanh như những năm gần đây. Kết quả tích cực này bắt nguồn từ những “luồng gió mới”.

Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 27-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang khóa X về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được ban hành.

Đây là lần đầu tiên Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành một nghị quyết mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Nghị quyết 06-NQ/TU có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành.

Nhiều doanh nghiệp mới ra đời và đi vào hoạt động trên địa bàn Tiền Giang.
Nhiều doanh nghiệp mới ra đời và đi vào hoạt động trên địa bàn Tiền Giang.

Để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TU và triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Tiền Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp, nhất là các chương trình can thiệp phù hợp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôn vinh khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp nhằm tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Nhìn nhận một cách công bằng, sau thời gian triển khai thực hiện, Nghị quyết 06-NQ/TU đã tạo ra một "luồng gió mới" cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cơ sở có thể chứng minh một cách rõ ràng nhất là thông qua số nộp ngân sách nhà nước, số doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đều tăng nhanh.

Theo đánh giá chung, trước hết là số tăng thu ngân sách của tỉnh Tiền Giang của 2 năm liền kề gần đây là vào khoảng 2.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là con số tăng thu ngân sách chưa từng có trong quá trình phát triển của tỉnh Tiền Giang trước đó. Con số này nói lên công sức của người dân, hàm chứa sự miệt mài lao động, nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điểm nhấn thứ hai là phát triển số lượng doanh nghiệp mới. Cụ thể, năm 2016 số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 560 doanh nghiệp và năm 2017 là 699 doanh nghiệp thành lập mới, bình quân có 629 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm trong 2 năm gần đây. Đây là con số phát triển doanh nghiệp mới chưa từng có từ trước đến nay.

Chưa kể, chỉ trong một thời gian ngắn, khi số lượng thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang chỉ dừng lại ở mức khoảng 200 nhưng nay đã vượt con số 600. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Tiền Giang sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư góp phần tăng thu ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu là có 730 doanh nghiệp thành lập mới.

Đánh giá về yếu tố này, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang nhận định, thời gian gần đây có nhiều điểm nhấn đối với hoạt động của doanh nghiệp nói chung và của Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang nói riêng. Nét nổi bật đầu tiên là chủ trương chung của Trung ương và địa phương hiện nay là tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhấn mạnh vào câu chuyện phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khối doanh nghiệp tư nhân.

Chủ trương này được cụ thể hóa thông qua Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cụ thể hóa thông qua chương trình hành động và giao trách nhiệm cho tất cả các sở, ban, ngành cùng tham gia thực hiện.

Chính những "luồng gió mới" này đã góp phần cho việc thành lập và đi vào hoạt động của các Chi hội doanh nghiệp ở tất cả các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Chính những hội viên này sẽ tạo ra sức lan tỏa cho các cơ sở, hộ kinh doanh, người dân khởi nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp, đặc biệt ở các huyện, thị, thành còn số lượng lớn doanh nghiệp như: Huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho.

Từ chủ trương chung của Trung ương, tinh thần quyết liệt của tỉnh, nhìn một cách tổng thể, tình hình hoạt động của khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc. Theo đó, các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực chủ yếu của tỉnh như: Doanh thu, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đều có mức tăng trưởng khá; đặc biệt là các chỉ số về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, nộp ngân sách…

ANH PHƯƠNG

.
.
.