Thứ Hai, 05/10/2020, 10:59 (GMT+7)
.

Tập trung, tiếp sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam.

Dù có điểm xuất phát thấp, nhưng đến nay Tiền Giang đã vượt mục tiêu đến năm 2020 có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đang phấn đấu đến cuối năm 2020 xây dựng hoàn thành 8 xã NTM nâng cao.

Nói về công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết:

Bước đầu xây dựng NTM, tỉnh Tiền Giang có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung cả nước cũng như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh chỉ có 12 xã, chiếm 8,7% số xã trên địa bàn tỉnh, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước là 22%. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 về xây dựng NTM  là phấn đấu có 50% xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM (72/144 xã đạt chuẩn) vào năm 2020.

Nhờ có sự quyết liệt trong chỉ đạo, sự điều hành đúng hướng của cả hệ thống chính trị, nhiều giải pháp hiệu quả đã được đề ra (cơ chế vốn đầu tư), đột phá trong chính sách đầu tư lưới điện, đường, trường, trạm ở nông thôn và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, nên công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra ngay trong năm 2019.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 106/143 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 74,1%, cao hơn so với bình quân chung cả nước là 58,2%. Ngoài ra, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông); Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận huyện Chợ Gạo đạt chuẩn NTM và TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.

Các xã NTM đang tiếp tục duy tu, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn hướng đến xây dựng  NTM nâng cao.
Các xã NTM đang tiếp tục duy tu, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn hướng đến xây dựng NTM nâng cao.

Kết quả trên cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (viết tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã có sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị đặc biệt là đã khơi dậy và phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đóng góp trí tuệ, vật chất, tinh thần của nhân dân vào quá trình xây dựng NTM.

Nhờ vậy, diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng phát triển khá đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số người dân khu vực nông thôn được nâng lên.

* Phóng viên (PV): Việc xây dựng NTM nâng cao có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam: Trước hết, xã muốn đạt chuẩn NTM nâng cao phải đáp ứng các yêu cầu như sau: Phải là xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và tiếp tục duy trì kết quả thực hiện các tiêu chí đã đạt được theo quy định; đạt các tiêu chí về xã NTM nâng cao được ban hành kèm theo Quyết định 3161 ngày 26-10-2018 của UBND tỉnh; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương cho thấy, một xã đã đạt chuẩn NTM xây dựng trở thành xã NTM nâng cao có thuận lợi là kế thừa và phát huy được những thành quả đã đạt được trong xây dựng xã NTM; đúc kết ra được những bài học trong quá trình thực hiện để xây dựng NTM nâng cao; đặc biệt là có được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền và sự quan tâm, đồng thuận, tích cực hưởng ứng của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình đã được hình thành tại cấp huyện, xã (đặc biệt là cấp xã) đã có kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nên khi tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao sẽ có nhiều thuận lợi. Ngoài ra, xã được quan tâm tiếp tục hỗ trợ và bố trí nguồn lực đầu tư từ cấp trên để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo tiêu chí xã NTM nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số khó khăn. Bởi đa phần các xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ rất lâu, một số công trình hạ tầng chưa được quan tâm duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nên đã xuống cấp cần nhiều nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh trong khi ngân sách cấp trên hỗ trợ còn hạn chế.

Một số địa phương sau khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đã đạt được, công tác lãnh đạo, điều hành Chương trình có dấu hiệu chững lại, nhiều xã không nâng chất được các tiêu chí đã đạt, thậm chí không duy trì được 19/19 tiêu chí như ở thời điểm được đánh giá đạt chuẩn. Một số địa phương chỉ ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng xã NTM, chưa quan tâm nhiều đến việc rà soát xây dựng kế hoạch lộ trình và giải pháp để xây dựng xã NTM nâng cao, đặc biệt là việc huy động và bố trí nguồn lực để thực hiện.

Các xã NTM đang tiếp tục nâng chất các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân hướng đến xây dựng NTM nâng cao.
Các xã NTM đang tiếp tục nâng chất các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân hướng đến xây dựng NTM nâng cao.

* PV: Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX ban hành Nghị quyết 10, trong đó có nội dung chi hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao. Tiến độ cụ thể hóa nghị quyết đến thời điểm này ra sao, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, Sở NN&PTNT đã phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan và địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 10 ngày 10-7-2020 của HĐND tỉnh Tiền Giang để đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất của tất cả các cơ quan có liên quan, phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

Về tiến độ cụ thể hóa nghị quyết đến thời điểm này, hiện Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn cho UBND các huyện, thị, thành để hỗ trợ các xã được phê duyệt danh sách phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2020.

Trước khi Nghị quyết 10 được ban hành, nguồn lực hỗ trợ cho địa phương để thực hiện việc duy trì, nâng tỷ lệ mức độ đạt các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… rất ít, chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển do Trung ương hỗ trợ để thực hiện Chương trình.

Nghị quyết ra đời tạo điều kiện cho các địa phương (cấp huyện, xã) chủ động, tích cực trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình; bổ sung kịp thời chính sách hỗ trợ, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện ở cấp cơ sở, cũng như huy động tốt hơn, có hiệu quả hơn các nguồn lực khác để đồng hành cùng chung sức xây dựng thành công xã NTM nâng cao theo kế hoạch đề ra.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀI THU (thực hiện)

.
.
.