Giữ vững và nâng chất huyện nông thôn mới Cai Lậy
Xác định việc xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) đã khó, để duy trì chất lượng các tiêu chí NTM càng khó hơn, Đảng bộ, chính quyền huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã đề ra kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM ngay khi được công nhận huyện NTM. Để hiểu rõ hơn các giải pháp trong thời gian tới, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình.
* PV: Vượt qua bao khó khăn, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Cai Lậy hôm nay “khoác” lên mình chiếc áo mới sáng đẹp hơn, đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành xây dựng thành công huyện NTM?
* Đồng chí Trần Quốc Bình: Kinh nghiệm cho thấy, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về chủ trương xây dựng NTM; đồng thời, giúp người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình là chủ thể trong việc thực hiện và thụ hưởng từ chương trình. Đây là yếu tố quyết định thành công trong xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (BCĐ) các cấp phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm phụ trách địa bàn cụ thể, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy.
Cùng với đó là thực hiện xây dựng NTM luôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đặc biệt là phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở, vì đây là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tập trung huy động nguồn lực của nhân dân, sự hỗ trợ các doanh nghiệp; tranh thủ sự hỗ trợ của ngân sách các cấp, khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa tốt; phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ngay từ cơ sở…
* PV: Để duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM, trong thời gian tới, BCĐ huyện có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Quốc Bình: Huyện xác định việc duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về thực hiện việc duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM, NTM nâng cao đã đạt được, định hướng các xã xây dựng kế hoạch lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí mới.
Trong đó, huyện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng lực tổ chức điều hành; kiện toàn BCĐ, ban quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân cán bộ lãnh đạo.
Đoàn công tác Trung ương khảo sát NTM ở huyện Cai Lậy. |
BCĐ huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị, xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với quá trình xây dựng NTM.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng nâng cao và phát triển bền vững; đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền để phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Cùng với đó là kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự đồng thuận của người dân về việc huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, chung tay góp công, góp của để thi công các công trình.
Huyện cũng đề ra các giải pháp cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa, tổ chức sản xuất, tiếp tục nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm duy trì, nâng cao chất lượng huyện NTM.
* PV: Được biết, huyện đã đề ra mục tiêu hướng tới huyện NTM nâng cao đến năm 2025, đồng chí có thể cho biết một số mục tiêu trọng tâm huyện sẽ phấn đấu đạt trong thời gian tới?
* Đồng chí Trần Quốc Bình: Quan điểm của huyện là từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới.
Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong đó, mục tiêu là giữ vững và nâng chất 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 5 xã NTM nâng cao đã được công nhận để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu có trên 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu xây dựng huyện Cai Lậy đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Đồng thời, địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 - 80 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm dưới 1,5%; lao động qua đào tạo đạt 30% - 40%; người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%.
Huyện cũng phấn đấu đến năm 2025, bậc học THCS có 12/16 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 70%; bậc học tiểu học có 16/16 trường đạt chuẩn, đạt 100% và nầm non có 16/16 trường đạt chuẩn, đạt 100%.
Ngoài ra, huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, giá trị; trong đó, ưu tiên thực hiện xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử postmart.vn; xây dựng cấp mã số và quản lý vùng trồng cho các sản phẩm thế mạnh của huyện; ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường như VietGAP, GlobalGAP.
Song song đó, huyện Cai Lậy tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản các mặt hàng nông sản để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, kiến nghị tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị kinh tế này…
Mặt khác, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình và các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng huyện Cai Lậy ngày càng văn minh, hiện đại…
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
TUẤN LÂM - THU HOÀI (thực hiện)