.

Tân Thạnh vượt khó xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 13:53, 03/05/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) không ngừng nỗ lực vượt khó, chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Từ kết quả đạt được, xã quyết tâm xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2023.

Đến nay, xã Tân Thạnh đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân cùng chung tay góp sức, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày càng hoàn chỉnh. Trong đó, nổi bật là 100% trục đường chính của xã được nhựa hóa, bảo đảm thuận tiện ô tô, mô tô đi lại; trong 19 tuyến đường ấp và liên ấp với chiều dài 17,6 km, đến hay có 16,7 km được cứng hóa, đạt 94,9%; 100% đường ngõ xóm bảo đảm giao thông thuận lợi.

Trường Mầm non Tân Thạnh vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trường Mầm non Tân Thạnh vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hiện nay, nguồn điện sử dụng của xã được cung cấp từ lưới điện quốc gia, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện. Tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng trên địa bàn đạt 100%; trong đó, có 98% hộ sử dụng điện an toàn. Trên địa bàn xã hiện có trường mầm non và tiểu học. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, chất lượng công tác giảng dạy và học tập ngày càng được nâng lên.

Về kinh tế, xã thực hiện có hiệu quả bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng. Theo đó, xã đã hình thành rõ 3 tiểu vùng kinh tế gồm khu vực kinh tế vườn dừa, nuôi  thủy sản và khu vực vườn cây ăn trái. Những diện tích vườn tạp kém hiệu quả trước đây, xã vận động nông dân chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn trái các loại với khoảng 250 ha như ổi, nhãn, cam, quýt…; trong đó, có trên 200 ha đang cho trái ổn định, mang lại thu nhập khá cho người trồng.

Diện tích vườn dừa toàn xã gần 500 ha, phần lớn đang cho trái ổn định. Với địa hình cù lao sông nước, khu vực các ấp Tân Đông, Tân Bình, Tân Thành 1 và Tân Thành 2 của xã đang phát triển mạnh phong trào nuôi  thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm theo mô hình công nghiệp gồm tôm sú và thẻ chân trắng, với khoảng 170 ha mặt nước ao nuôi. Nhờ xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nuôi, nên năng suất thu hoạch bình quân từ 7 đến 8 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng và từ 4 đến 5 tấn/ha đối với tôm sú.

Cơ sở vật chất văn hóa của xã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Hằng năm, xã đều củng cố, nâng chất các danh hiệu văn hóa trên địa bàn. Có 100% hộ dân đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, cuối năm bình xét có hơn 90% hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa.

Bên cạnh đó, phong trào chăn nuôi cũng được quan tâm phát triển, với tổng đàn gia súc hơn 2.000 con và 24.000 con gia cầm các loại. Trên cơ sở những kết quả đạt được, xã tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn theo từng khu vực phía Đông và Tây cù lao, hướng tới phát triển mô hình kinh tế kết hợp vườn - ao - chuồng; vùng nuôi tôm chuyên canh, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao…

Nhờ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác nên đời sống các hộ dân được nâng lên đáng kể.Từ đó, người dân có điều kiện xây nhà khang trang. Khi mới thành lập huyện, đa số nhà dân làm bằng gỗ, lá tạm thời, đến nay xã có trên 70% hộ xây nhà khang trang, bán kiên cố; 100% hộ có phương tiện đi lại và phương tiện nghe nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua từng năm, hộ khá giàu tăng lên, người dân có điều kiện tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Với việc bắc cầu vượt sông Cửa Trung qua xã thành hiện thực, khi cầu hoàn thành, Tân Thạnh có điều kiện mở rộng giao thương hàng hóa với trung tâm huyện và các vùng lân cận, từng bước khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã cù lao ngày càng phát triển.

HỮU DƯ

.
.
.