Thứ Hai, 09/10/2023, 21:13 (GMT+7)
.

Phấu đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm còn dưới 1%

(ABO) Ngày 9-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang làm Trưởng đoàn giám sát tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tập trung cao, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chủ động phối hợp giữa 2 chương trình này, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Bản thân các hộ nghèo đã có nhận thức đúng đắn hơn, có ý chí chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo trên cơ sở tiếp cận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng.

đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận buổi làm việc
Đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận buổi làm việc.

Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên (Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh…) đã đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ người nghèo thông qua Chương trình an sinh xã hội và đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” đạt được những kết quả nhất định; đồng thời, động viên các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện và giám sát có hiệu quả các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, nếu cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 1,47%, đạt vượt kế hoạch đề ra; tương đương 1,60% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 thì đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đạt vượt kế hoạch đề ra.

Dự kiến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 0,2% so với năm 2022 và phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 1% theo kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, năm 2022, Sở tập trung thực hiện 2 hoạt động: Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề cho các trường để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đồng thời, Sở đã xây dựng kế hoạch và đã đấu thầu, ký hợp đồng đầu tư thiết bị đào tạo từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022 cho 2 Trường gồm: Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè và Trung cấp Cai Lậy với kinh phí: Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè đề nghị trang bị thiết bị dạy 3 nghề: Tin học ứng dụng, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, thú y với kinh phí 3,209 tỷ đồng.

 Trường Trung cấp Cai Lậy đề nghị trang bị thiết bị 3 nghề: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp và kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí với kinh phí 2.971 triệu đồng. Đến nay đã thanh quyết toán với kinh phí 6,180 tỷ đồng, đã tổ chức nghiệm thu và 2 trường đã đưa thiết bị vào giảng dạy.

Năm 2023, Sở tiếp tục tập trung thực hiện 4 hoạt động: Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng chương trình, giáo trình để thực hiện hỗ trợ đào tạo; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật các nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng còn gặp một số khó khăn do vướng từ cơ chế, chính sách đối với nguồn vốn đầu tư phát triển và đối với nguồn vốn sự nghiệp Trung ương do chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến quá trình thực hiện chậm...

 Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng các đại biểu phân tích, thảo luận một số hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG; đồng thời, đề ra một số giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm chia sẻ những khó khăn của ngành LĐTB&XH với khối lượng công việc rất lớn, ghi nhận những kết quả Sở LĐTB&XH đã đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động giải quyết các khó khăn trong triển khai các chương trình MTQG, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội Tiền Giang ngày càng phát triển.

Đồng chí cũng trao đổi gợi mở thêm hướng tháo gỡ một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc; ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh liên quan đến các cơ chế, chính sách còn vướng. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo tại các diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng xem xét tháo gỡ theo thẩm quyền trong thời gian tới.

T.H

.
.
.