Thứ Hai, 29/01/2024, 09:46 (GMT+7)
.

Cái Bè với hành trình xây dựng huyện nông thôn mới

Qua hơn 13 năm, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự chung sức đồng lòng của người dân đã xây dựng thành công huyện nông thôn mới (NTM), tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn nâng cao đời sống của người dân. Công tác xây dựng huyện NTM đã tạo xung lực mới để huyện Cái Bè tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

QUYẾT TÂM XÂY DỰNG NTM

Cái Bè là huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, nằm bên bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, là cửa ngõ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đất đai trù phú, kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh. Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống giao thông đa dạng, huyện Cái Bè đã và đang tận dụng cơ hội tăng cường kết nối liên vùng, giao thương và thu hút mời gọi đầu tư hiệu quả.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn huyện Cái Bè được triển khai bắt đầu từ năm 2011 với nhiều khó khăn khi xuất phát điểm còn thấp. Với quyết tâm chính trị cao, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện, đảm bảo đạt theo lộ trình đề ra như xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện Cái Bè đạt chuẩn NTM năm 2023.

Tình hình kinh tế - xã hội huyện Cái Bè trong thời gian qua với nhiều khởi sắc (Ảnh huyện Cái Bè nhìn từ trên cao).
Tình hình kinh tế - xã hội huyện Cái Bè trong thời gian qua với nhiều khởi sắc (Ảnh huyện Cái Bè nhìn từ trên cao).

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha, công tác xây dựng NTM được huyện Cái Bè xác định là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện theo phương châm “Lấy nhân dân làm gốc”. Theo đó, các hoạt động cụ thể trong xây dựng NTM do chính người dân bàn bạc dân chủ, công khai để quyết định trên cơ sở các quy định của Nhà nước có sự tư vấn của các cơ quan, cán bộ chuyên môn theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân vì xây dựng NTM là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực lâu dài, tập trung mọi nguồn lực.

THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Cái Bè đã từng bước khắc phục khó khăn trong xây dựng NTM và đã đạt được những kết quả quan trọng làm thay đổi sắc diện nông thôn. Giao thông luôn là tiêu chí đi trước trong các định hướng phát triển. Từ năm 2011 đến nay, huyện Cái Bè đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 487 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài hơn 1.292 km; xây mới hơn 76 cầu giao thông nông thôn. Cùng với hệ thống giao thông, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hệ thống điện lưới được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tình hình kinh tế - xã hội của huyện Cái Bè với nhiều tín hiệu lạc quan. Năm 2023, huyện Cái Bè đạt và vượt 10/10 chỉ tiêu pháp lệnh tỉnh giao, đạt 19/19 chỉ tiêu Nghị quyết năm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Nhiều chỉ tiêu vượt so với nghị quyết và vượt chỉ tiêu pháp lệnh; cụ thể năm 2023, sản xuất công nghiệp (giá cố định 2010) thực hiện 5.530 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2022 (5.270 tỷ đồng); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 1.213,82 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh tế địa phương 219,68 tỷ đồng, đạt 116,85% dự toán… Lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục và đào tạo được duy trì; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục giữ vững ổn định.

Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục trên địa bàn huyện Cái Bè ngày càng được quan tâm và mang lại hiệu quả. Đến nay, huyện Cái Bè có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 94,18% (tăng 21,5% so với năm 2015). Trung tâm Y tế huyện được công nhận xếp hạng III, được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn với 732.106 lượt khám bệnh ngoại trú và điều trị cho hơn 5.596 bệnh nhân nội trú.  Hệ thống giáo dục tiếp tục phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng với 69 trường công lập được đầu tư đạt chuẩn từ tối thiểu trở lên (có 4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia). Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao luôn được duy trì và phát triển. 100% xã của huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao sức chứa từ 200 chỗ ngồi trở lên.

Có thể nói rằng, thành tựu phát triển kinh tế là điểm nhấn lớn nhất trong hơn quá trình 13 năm xây dựng NTM ở huyện Cái Bè. Kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực với các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất. Huyện Cái Bè hiện có 26 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực tổng hợp và trồng trọt (tăng 14 HTX so với năm 2011) với tổng cộng hơn 7.000 thành viên (tăng 5.294 thành viên so với năm 2011). Tổng doanh thu năm 2022 của các HTX đạt hơn 16 tỷ đồng (bình quân 673,3 triệu đồng/HTX); lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng (bình quân 44 triệu đồng/HTX), đã tạo việc làm thường xuyên cho 720 lao động địa phương với thu nhập từ 14,5 - 60 triệu đồng/người/năm.

Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện Cái Bè đã được thực hiện, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, như: “Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết tiêu thụ và tái sử dụng phụ phẩm làm phân bón cho cây trồng” (xã Đông Hòa Hiệp); “Xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo” (xã Hòa Hưng); “Sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết tiêu thụ và tái sử dụng phụ phẩm làm phân bón cho cây trồng” (xã Hậu Mỹ Bắc A); “Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết tiêu thụ và tái sử dụng phụ phẩm làm phân bón cho cây trồng” (xã Mỹ Tân).

Hoạt động sản xuất ở nông thôn cũng diễn ra khá sôi nổi và hiệu quả với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khi đã có 25 sản phẩm OCOP tại 12/24 xã được UBND tỉnh và UBND huyện xếp hạng đạt chuẩn từ 3 - 4 sao (6 sản phẩm OCOP 4 sao). Trong đó, sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy (xã An Thái Đông) đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét để xếp hạng 5 sao.

Đi đôi với phát triển nông nghiệp, công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cũng được huyện Cái Bè quan tâm và thực hiện hiệu quả. Hiện nay, huyện Cái Bè có trên 1.500 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và trên 600 doanh nghiệp, trong đó đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện có lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo tập trung tại Cụm công nghiệm An Thạnh 1. Đặc biệt, khu vực Bà Đắc được xem là chợ gạo lớn nhất cả nước với trên 70 cơ sở kinh doanh lương thực cặp hai bên Quốc lộ 1, cung cấp bình quân khoảng 1.000 tấn gạo/ngày đi các tỉnh, thành trong cả nước.

Từ những kết quả trên, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện Cái Bè trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,16%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (8,47%). Giai đoạn 2011 - 2020, cơ cấu kinh tế huyện Cái Bè có xu hướng chuyển dịch tích cực, phù hợp định hướng phát triển chung của huyện là tăng dần tỷ trọng và giá trị gia tăng trong khu công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, khu vực I có xu hướng giảm, nếu năm 2010 cơ cấu giá trị gia tăng chiếm 58,48%, đến năm 2015 còn 50,6% và năm 2020 là 39,26%; khu vực II tăng nhanh, năm 2010 chiếm 17,42%, đến năm 2020 chiếm 29,04%; khu vực III tăng từ 24,1% năm 2010 lên 31,69% năm 2020.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha, qua các kết quả đạt được của phát triển kinh tế, đời sống người dân trên địa bàn huyện Cái Bè ngày càng được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 68,83 triệu đồng/người/năm (năm 2022 đạt 62,59 triệu đồng) so với năm 2022 tăng 9,97% (tăng 6,14 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1,03% (giảm 4,65% so với năm 2015 và giảm 10,25% so với năm 2011).

ĐỖ PHI - PHAN CAO

.
.
.