.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ

Cập nhật: 19:49, 21/09/2018 (GMT+7)

(ABO) Là một trong những phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến về phòng cháy - chữa cháy (PCCC) và cứu nạn - cứu hộ (CNCH) với 63 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức sáng 21-9.

Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng và Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh cùng chủ trì hội nghị.

Diễn tập PCCC. Ảnh minh họa: PHÙNG LONG
 Diễn tập PCCC.                                                                         Ảnh minh họa: PHÙNG LONG  

Hội nghị tập trung tổng kết về công tác PCCC-CNCH trong thời gian qua và sơ kết Công điện số 01/2018/CĐ-BCA-V11 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác này; đồng thời, bàn các giải pháp bảo đảm an toàn cháy, nổ trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 81 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.564 tỷ đồng và 1.209 ha rừng; xảy ra 31 vụ nổ, làm chết 21 người, bị thương 50 người. Mỗi năm, lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện 1.371 vụ CNCH, tổ chức hướng dẫn thoát nạn cho hàng ngàn người, trực tiếp cứu được 452 người…

Các vụ cháy tập trung chủ yếu ở địa bàn thành thị (chiếm trên 60% tổng số vụ); cháy nhà dân chiếm tỷ lệ 50%; cháy các cơ sở kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ 35%; còn lại là thành phần kinh tế khác (nhà nước, liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài). Cháy nguyên nhân do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện chiếm trên 50%; nguyên nhân do vi phạm, sơ suất trong sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 30%...

Tại tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, thiệt hại hơn 234 tỷ đồng; trong đó, có 9 vụ do sự cố điện, 2 vụ bất cẩn trong sử dụng lửa, 1 vụ tự sinh nhiệt gây cháy...; địa bàn xảy ra cháy là thành thị (6 vụ), nông thôn (17 vụ).

Để tăng cường công tác PCCC-CNCH thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lấy phòng ngừa là chính và ứng phó kịp thời với mọi tình huống sự cố; đồng thời, bảo đảm tính mạng của người dân, giảm thiệt hại tài sản ở mức thấp nhất, góp phần phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát những vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, PCCC-CNCH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC và kỹ năng, biện pháp thoát nạn cho nhân dân; tập trung chỉ đạo xây dựng, kiện toàn tổ chức, đầu tư trang bị, phương tiện cho đội PCCC cơ sở, đội chuyên ngành và đội dân phòng theo đúng quy định của pháp luật.

P.L
 

.
.
.