Nguy hiểm tiềm ẩn từ xe đạp điện, xe máy điện
Hiện nay, tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện (XĐĐ), xe máy điện (XMĐ) không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tai nạn giao thông (TNGT).
VẪN CÒN CHỦ QUAN
Ưu điểm của XĐĐ, XMĐ là có trọng lượng nhẹ, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, vận tốc tối đa không quá 25 km/giờ, sử dụng tiện lợi và dễ điều khiển... Do vậy, 2 phương tiện này được nhiều phụ huynh mua cho con đi học. Thế nhưng, nếu điều khiển phương tiện không đúng với các quy định của pháp luật về giao thông thì tai nạn vẫn có thể xảy ra.
Nhiều học sinh xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) điều khiển xe đạp điện không đội nón bảo hiểm. |
Nhiều phụ huynh giao xe cho con nhưng ít khi giám sát hoặc nhắc nhở để con chấp hành nghiêm các quy định về ATTG. Bởi vậy, không khó để bắt gặp học sinh chạy XĐĐ, XMĐ không đội nón bảo hiểm (NBH), chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường…
Mặt khác, hầu hết các loại XĐĐ, XMĐ không gắn gương chiếu hậu, đèn xi nhan, nên việc chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn. Ngoài ra, những loại xe này chạy không có tiếng động, nên khi vượt, các xe khác đang lưu thông cùng chiều khó phát hiện, dễ xảy ra va chạm.
Vả lại, từ trước đến nay, nếu muốn điều khiển xe máy, buộc người cầm lái phải có giấy phép lái xe; tuy nhiên, do luật chưa có quy định người cầm lái XĐĐ, XMĐ buộc phải thi sát hạch, có giấy phép lái xe, nên việc hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ và kinh nghiệm tham gia giao thông còn kém...
Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Trưởng Công an TP. Mỹ Tho cho biết, theo quy định, XĐĐ, XMĐ có vận tốc tối đa không quá 25km/giờ. Tuy nhiên, hiện nay, đa số 2 loại xe này được cải tiến động cơ, vận tốc có thể lên đến 50km/giờ. Do đó, khi xảy ra va chạm với các phương tiện giao thông khác, nhiều khả năng sẽ dẫn đến TNGT nghiêm trọng.
Hiện nay, công tác xử lý vi phạm khi người điều khiển XĐĐ, XMĐ không chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ vẫn còn bỏ ngỏ. Nhà trường và phụ huynh chưa thật sự quan tâm, hướng dẫn khi học sinh lưu thông bằng loại phương tiện này. Sau giờ tan học tại Trường THPT Lưu Tấn Phát (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy), nhiều em học sinh chạy XĐĐ, XMĐ không đội NBH, hoặc có đội NBH nhưng không cài quai nón. Có em đội NBH ra đến cổng trường là tháo NBH để vào giỏ xe…
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, XỬ LÝ
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, trên địa bàn TP. Mỹ Tho số lượng XMĐ rất ít, chủ yếu là XĐĐ, đa số người điều khiển XĐĐ tham gia giao thông là các em học sinh có độ tuổi từ 12 đến 16, những lỗi vi phạm phổ biến là: Không đội NBH, không chấp hành tín hiệu đèn, chạy hàng ngang trên đường, dừng, đỗ dưới lòng đường gây cản trở giao thông...
Ngay từ đầu năm 2018, Công an TP. Mỹ Tho đã mở nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng do các em học sinh còn nhỏ tuổi, theo quy định của pháp luật thì hành vi vi phạm của các em chủ yếu là nhắc nhở và cảnh cáo nên chưa tạo tác dụng răn đe, giáo dục.
Ngày 22-10-2015, Bộ Công an ban hành Thông tư 54, bổ sung Điều 25a vào Thông tư 15 ngày 4-4-2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, quy định kể từ ngày 6-12-2015 chủ các phương tiện mô tô điện, XMĐ phải thực hiện đăng ký bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số các chủ phương tiện XMĐ không thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm theo quy định, nên công tác quản lý, xử lý các phương tiện này còn gặp khó khăn. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC67) - Công an tỉnh, hiện nay, chỉ có 71 XMĐ được đăng ký tại PC67.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Phước cho biết, trong thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan các loại XĐĐ, XMĐ để các tổ chức, cá nhân kinh doanh biết, nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm, trong đó tập trung kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, tem hợp quy, XĐĐ giả nhập lậu...
Năm 2017 và 2018, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý vi phạm 6 vụ, trong đó có 2 vụ kinh doanh XĐĐ không có tem hợp quy, 3 vụ vi phạm về kinh doanh XĐĐ giả mạo nhãn hiệu ASAMA, 1 vụ kinh doanh bình xe đạp điện không rõ nguồn gốc; đã thu phạt hơn 69 triệu đồng, tịch thu 31 chiếc XĐĐ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu ASAMA trị giá 124 triệu đồng và 80 bình XĐĐ, một số hàng hóa không rõ nguồn gốc, hóa đơn bán hàng…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Phước cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất XĐĐ, XMĐ, mà chỉ có cơ sở kinh doanh XĐĐ, XMĐ. Nhằm kiểm soát tốt việc kinh doanh XĐĐ, XMĐ đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt người tiêu dùng, trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để các tổ chức, cá nhân kinh doanh biết, nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật và giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng thông qua việc dán nhãn, tem hợp quy, chứng nhận chất lượng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyển lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hợp pháp.
VĂN THẢO