.

Nhà ở gắn với sản xuất kinh doanh: Cẩn trọng chuyện cháy, nổ

Cập nhật: 15:37, 03/10/2018 (GMT+7)

THIỆT HẠI

Hiện nay, rất nhiều gia đình tận dụng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Điều này mang lại lợi nhuận về kinh tế, thuận lợi cho các thành viên trong gia đình về quản lý tài sản, chăm sóc con cái, tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhà kho…

Tuy nhiên, nếu lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện tốt các nguyên tắc phòng ngừa cháy, nổ thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cụ thể, giữa năm 2017, vụ cháy xảy ra tại khu chợ Thiên Hộ, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè đã làm thiệt hại tài sản của 2 hộ gia đình trị giá trên 6 tỷ đồng.

Người dân tham gia chữa cháy tại vụ cháy dọc sông Bảo Định, thuộc phường 7, TP. Mỹ Tho.
Người dân tham gia chữa cháy tại vụ cháy dọc sông Bảo Định, thuộc phường 7, TP. Mỹ Tho.

Đó vừa là nơi ở, cũng là nơi kinh doanh của gia đình. Ngọn lửa ban đầu được xác định bốc lên từ 1 hộ kinh doanh hàng tạp hóa, sau đó lan sang 1 hộ mua bán mô tô, xe máy. Khi phát hiện cháy, mọi người trong gia đình dập lửa nhưng không thành, đã phá cửa sau nhà để nhảy xuống sông thoát ra ngoài.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh đã huy động xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp với lực lượng chữa cháy tại địa phương và cơ sở tiến hành dập lửa.

Do hiện trường vụ cháy xảy ra trong đêm, lại chứa nhiều vật dụng dễ cháy nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác dập lửa, sau nhiều giờ nỗ lực mới khống chế được đám cháy. Tuy không có thiệt hại về người nhưng tài sản bên trong 2 căn nhà bị lửa thiêu rụi, thiệt hại trị giá trên 6 tỷ đồng.

Vụ khác, 5 năm trước, trên địa bàn phường 7, TP. Mỹ Tho xảy ra cháy tại 1 Shop quần áo. Sau 30 phút dập lửa, lực lượng chức năng đã không chế ngọn lửa, ngăn không để cháy lan sang các cửa hiệu bên cạnh. Tuy nhiên, tài sản trong Shop đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Mới đây (vào tháng 4-2017), cũng trên địa bàn phường 7, TP. Mỹ Tho xảy ra cháy nhà dân, vừa là nơi ở, vừa dùng làm nơi mua bán và chứa hàng hóa. Lửa được xác định bốc lên từ một căn nhà dọc sông Bảo Định. Sau đó, do nắng nóng và gió gần sông thổi mạnh nên lửa đã lan nhanh sang các nhà khác. Sau khoảng hơn một giờ chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt, không có thương vong xảy ra trong vụ cháy, nhưng 7 căn nhà đã bị thiệt hại.

CẦN THỰC HIỆN 5 TIÊU CHÍ

1. Tham gia các buổi tuyên truyền về pháp luật, kiến thức PCCC do địa phương và đơn vị chức năng tổ chức. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn PCCC. Tích cực tham gia phong trào Toàn dân PCCC do địa phương phát động.

2. Hàng hóa dễ cháy cần bố trí trong khu vực hoặc phòng riêng và loại trừ yếu tố có thể dẫn đến tự cháy do phát sinh nhiệt hoặc do phản ứng hóa học giữa các chất; không để hàng hóa, chất cháy gần ổ cắm điện, công tắc, aptomat, thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt. Cần có kiến thức và kịp thời xử lý các tình huống rò rỉ gas, sự cố chập điện, quá tải trong gia đình. Nơi đun nấu, thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị điện phải đảm bảo an toàn về PCCC. Thường xuyên bảo dưỡng bếp nấu bằng gas, bằng điện.

3. Phải có lối thoát nạn dự phòng, nếu làm lồng sắt chống trộm phải có cửa mở thuận lợi khi có sự cố để thoát nạn nhanh chóng, kịp thời. Trên các tầng nhà nên có lối ra ngoài ban công, không sử dụng kính chắn, pa nô quảng cáo che lấp ban công thoát nạn.

a. Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ thì phải bố trí riêng biệt với nơi ở, sinh hoạt.

b. Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc. Sắp xếp, bảo quản tài sản, vật dụng theo từng loại bảo đảm gọn gàng, không cản trở lối đi, lối thoát nạn.

c. Lối thoát nạn từ cầu thang bộ tại tầng một nên bố trí thoát ra ngoài trực tiếp hoặc qua lối đi an toàn có đủ chiều rộng cho người di chuyển thuận lợi. Không để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt tại lối thoát nạn hoặc liền kề.

d. Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 phải sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; phải thống nhất nơi để chìa khóa cửa và các thành viên trong gia đình đều phải biết, nên bố trí dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ.
 e. Đối với tầng mái (sân thượng), phải có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.

4. Hệ thống điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí thuận tiện cho việc ngắt điện, dây dẫn điện phải được luồn trong ống bảo vệ.

a. Phải bố trí các thiết bị sinh nhiệt lớn (đèn sưởi, quạt sưởi, lò nướng...) hoặc thiết bị sinh lửa có khoảng cách an toàn phù hợp. Kiểm tra và tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

b. Phải bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện bị hư hỏng hoặc không bảo đảm an toàn.

5. Mỗi hộ gia đình phải tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay; trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì trang bị phương tiện PCCC phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

HẠ GIAO

.
.
.