.

Ngành chức năng cần vào cuộc để bảo vệ phóng viên bị hành hung

Cập nhật: 21:13, 27/01/2019 (GMT+7)
a
Khu vực khai thác quặng trái phép ở thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được các đối tượng đào sâu vào lòng đất và đã diễn ra từ lâu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngành chức năng cần vào cuộc để bảo vệ phóng viên bị truy sát, hành hung khi tác nghiệp. Đây là khẳng định của nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam tối 27/1.

Theo ông Phan Hữu Minh, Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận được thông tin trong 2 ngày có 2 sự kiện hành hung, truy sát phóng viên rất nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 26/1, phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang bị truy sát khi đang tác nghiệp phản ánh tình trạng khai thác quặng trái phép tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Vụ thứ 2 xảy ra ngày 27/1, phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại tỉnh Kon Tum đã bị nhóm côn đồ tấn công phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Trước những vụ việc trên, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có công văn gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương và tỉnh Kon Tum yêu cầu phối hợp, chỉ đạo làm rõ vụ việc, trả lời trước công luận.

Văn bản gửi các ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nêu rõ hiện tượng khai thác cát trái phép trên sông Lô và khai thác quặng bừa bãi xảy ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thời gian vừa qua. Những hiện tượng này cũng đã được báo chí phản ánh nhiều. Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương là một trong những đơn vị báo chí được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nắm tin tức, đưa tin chính xác về địa phương, giúp cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương ổn định, phát triển.

Vụ việc phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Tuyên Quang bị hành hung nghĩa là ngăn cản báo chí nói lên sự thật. Để chấm dứt tình trạng trên, góp phần hạn chế tối đa các hoạt động làm ăn phi pháp, vi phạm pháp luật tại địa phương, đề nghị tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh và Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương làm rõ vụ việc để trả lời Hội Nhà báo Việt Nam cũng như trả lời công luận.

Nhà báo Phan Hữu Minh cho biết thêm, thời gian đây đã xảy ra khá nhiều vụ việc hành hung, đe dọa tính mạng, phá hủy phương tiện tác nghiệp của phóng viên, nhà báo. Thống kê sơ bộ, trong năm 2018 đã có gần chục vụ việc cản trở, gây khó khăn, truy sát, hành hung nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trước những vụ việc đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có tiếng nói thúc đẩy các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc để cùng xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo.

Được biết, khoảng 10 giờ ngày 26/1, trong khi đang tác nghiệp tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để tìm hiểu về tình hình khai thác quặng trái phép trên địa bàn, phóng viên Nguyễn Văn Tý (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang) và phóng viên Trần Đức Vinh (thuộc Văn phòng đại diện khu vực miền núi phía Bắc của Tạp chí Truyền thống và phát triển) đã bị các đối tượng khai thác quặng trái phép hành hung, truy sát.

Ngay khi xảy ra sự việc, phóng viên Nguyễn Văn Tý đã gọi điện về Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang và lãnh đạo huyện Sơn Dương thông báo vụ việc. Công an huyện Sơn Dương đã cử cán bộ xuống hiện trường. Tại đây, cơ quan chức năng đã lập biên bản, thu giữ 140 bao quặng khai thác trái phép và một số vật dụng nghi là dây cháy chậm để nổ mìn; đồng thời, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, phương tiện hoạt động nghiệp vụ của phóng viên Nguyễn Văn Tý và Trần Đức Vinh.

Chiều 27/1, Thông tấn xã Việt Nam cũng đã lên tiếng bảo vệ phóng viên Nguyễn Văn Tý. Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam kịch liệt lên án tình trạng hành hung, đe dọa tính mạng cũng như xâm phạm phương tiện hoạt động nghiệp vụ của phóng viên tại Tuyên Quang, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ tính mạng, tài sản công dân nói chung và phóng viên, nhà báo nói riêng.

Cũng liên quan đến việc hành hung, tấn công phóng viên, sáng 27/1, nhà báo Hoàng Đình Chiểu phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam tại tỉnh Kon Tum đã bị nhóm côn đồ tấn công phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Theo bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, nhà báo Đình Chiểu nhập viện với chấn thương phần mềm mắt trái, chấn thương phần mềm ngực trái, chảy máu mũi, gãy thành ngoài xoang sàng bên trái do bị đánh./.

(Theo TTXVN)

 

.
.
.