Làm gì để phát huy hiệu quả?
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, thiệt hại tài sản hơn 61 tỷ đồng; nguyên nhân chủ yếu do bất cẩn, sự cố điện và không được phát hiện, xử lý kịp thời. Vì vậy, việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của các lực lượng tại chỗ là rất cần thiết, nhằm góp phần hạn chế quy mô thiệt hại khi xảy ra sự cố cháy.
Các lực lượng tham gia diễn tập PCCC tại Công ty TNHH Freeview Industria (ảnh chụp năm 2019). |
Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Từ thực tế các vụ hỏa hoạn xảy ra cho thấy, lực lượng chữa cháy tại chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên lực lượng này chưa thật sự phát huy được hiệu quả trong công tác PCCC.
Theo Luật PCCC: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ…”. Do đó, công tác tuyên truyền và vận động xây dựng lực lượng quần chúng tham gia công tác PCCC từ cơ sở có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác PCCC. Thực tế cho thấy, nếu vụ cháy được nhân dân phát hiện và cứu chữa kịp thời thì thiệt hại ít; ngược lại, sẽ dẫn đến cháy lan, gây hậu quả nghiêm trọng.
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 735 Đội Dân phòng với 5.882 đội viên và 1.340 Đội PCCC cơ sở, với 14.667 đội viên đang hoạt động, hằng năm được kiểm tra, đánh giá đạt từ loại khá trở lên, không có loại trung bình, yếu; 1 Đội PCCC chuyên ngành tại Khu Công nghiệp Long Giang và 2 Đội PCCC cơ sở của Công ty TNHH Dụ Đức và Công ty TNHH Freeview Industria trong Khu Công nghiệp Tân Hương đã tự trang bị xe chữa cháy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC tại cơ sở. Việc xây dựng, thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng Dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở được tổ chức thực hiện theo chức năng kiêm nhiệm và thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật về PCCC. |
Chính vì vậy, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC. Đơn vị đã phối hợp với Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh cơ sở thường xuyên tuyên truyền nội dung “An toàn về PCCC”; tổ chức tuyên truyền trực tiếp và lưu động tại các địa bàn trọng điểm; tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC-CNCH…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCCC-CNCH tỉnh, qua kiểm tra tại các huyện, thành phố, thị xã cho thấy, một số địa phương còn những hạn chế nhất định trong công tác PCCC. Cụ thể: Lực lượng Dân phòng, PCCC cơ sở chưa được trang bị đầy đủ trang phục theo Thông tư 48 và chưa trang bị đủ các phương tiện PCCC theo Thông tư 56 của Bộ Công an, nên chưa phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Công tác xây dựng cơ quan, đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC còn một số đơn vị thực hiện mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục đích đề ra. Người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm xây dựng và duy trì hoạt động đội PCCC cơ sở, không tổ chức trực và tuần tra vào ban đêm nên không phát hiện và chữa cháy kịp thời; khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi thì đám cháy đã lớn, bao trùm toàn bộ diện tích và khó cứu chữa…
Được biết, tại Công văn 2597 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh về công tác PCCC-CNCH trên địa bàn tỉnh; trong đó có nội dung trọng tâm là củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng Dân phòng, Bảo vệ dân phố, Dân quân tự vệ trong hoạt động PCCC; quan tâm đầu tư trang bị, phương tiện, thiết bị PCCC của lực lượng Dân phòng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”…
Tại Hội nghị tổng kết công tác PCCC-CNCH tỉnh năm 2019, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù lực lượng PCCC cơ sở, PCCC văn phòng các sở, ngành đã được thành lập, nhưng việc trang bị phương tiện cho lực lượng này còn thiếu và hoạt động còn yếu. Do đó, lực lượng Công an các huyện, thành phố, thị xã cần củng cố lực lượng PCCC cơ sở nhằm phát huy tốt hiệu quả của công tác PCCC tại chỗ khi có sự cố cháy xảy ra.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ, Thượng tá Lê Tấn Cường trao đổi: Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng Dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành làm nòng cốt phong trào Toàn dân PCCC. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, thành lập các đội PCCC tại chỗ và tổ chức huấn luyện, tập huấn, hội thao, hội thi về nghiệp vụ, chiến thuật PCCC cho lực lượng này.
Đồng thời, tiến hành rà soát, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và Dân phòng hiện có trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng cơ quan, đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC, khu phố, ấp an toàn PCCC gắn với mô hình xây dựng cơ quan an toàn về ANTT và xã an toàn về ANTT. Có các hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phong trào Toàn dân PCCC.
Các cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, hộ dân cư phải chủ động trong công tác PCCC, xác định rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra và có phương án PCCC cụ thể. Trên cơ sở phương án PCCC đã xây dựng, định kỳ tập luyện, diễn tập rút kinh nghiệm, bổ sung kịp thời những hạn chế trong phương án, kế hoạch đã xác định.
PHÙNG LONG