Tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán
(ABO) Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường quản lý, sử dụng pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong đó, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tổ chức kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo; bảo đảm an ninh, trật tự tại địa điểm bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và các dịp lễ khác khi có kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh căn cứ vào kế hoạch bắn pháo hoa nổ của tỉnh, chủ động chuẩn bị nhân lực, thiết bị, phương tiện kỹ thuật và tổ chức chỉ huy bắn pháo hoa nổ bảo đảm an toàn tuyệt đối, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và thực hành tiết kiệm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới biển thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, biển để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo, thuốc pháo.
Người dân ghi lại khoảnh khắc pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh: CAO THẮNG |
UBND tỉnh đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm, các nơi công cộng (bến xe, tuyến xe vận chuyển Bắc - Nam, tuyến xe vận chuyển hàng hóa từ Tiền Giang - Trung Quốc - Lào, các chợ, các cửa hàng tạp hóa, cơ sở bán bánh kem, quà sinh nhật...) để kịp thời đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo…
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Công an tỉnh Tiền Giang đề nghị cơ quan, tổ chức và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quản lý, sử dụng pháo.
Thứ nhất: Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Không tiếp tay, giúp sức cho những đối tượng vi phạm pháp luật vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải báo ngay hoặc giao nộp cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Không được sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn, mọi trường hợp cá nhân sử dụng súng săn, súng tự chế đều vi phạm. Các tổ chức, cá nhân hiện đang tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hãy tự giác đến cơ quan Công an nơi gần nhất để giao nộp. Trường hợp cố tình vi phạm, khi bị phát hiện sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai: Thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng pháo hoa.
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn nhiều trường hợp cơ sở kinh doanh quà lưu niệm, tạp hóa, bánh kem, người dân chưa nắm rõ và chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý, sử dụng pháo, dẫn đến xảy ra 13 vụ, 13 đối tượng vi phạm sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, thu giữ 69 viên pháo, 15 ống pháo.
Để hiểu rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, các cơ quan, tổ chức và nhân dân cần nắm rõ và thực hiện nghiêm các nội dung sau:
Nghị định 137, ngày 27-11-2020 của Chính phủ có quy định mới cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên việc sử dụng pháo hoa phải tuân thủ những điều kiện, quy định; các loại pháo nào được phép sử dụng.
Loại pháo nào được sử dụng?
- Pháo hoa là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ là các sản phẩm, như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc).
Người dân chỉ được sử dụng pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ. Ảnh minh họa |
- Pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa (thường gọi là đốt) tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm tuyệt đối người dân sử dụng.
Người dân tuyệt đối không được sử dụng loại pháo hoa nổ. Ảnh: CAO THẮNG |
Như vậy, người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ. Còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng.
Ai được sử dụng pháo hoa?
Nghị định quy định người sử dụng pháo hoa phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Người dân mua pháo hoa do nơi nào sản xuất?
Về sản xuất và sử dụng pháo hoa, trong quy định của Nghị định 137, chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Như vậy, người dân chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra và được sử dụng trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật.
Vi phạm về pháo sẻ bị xử lý như thế nào?
Các hành vi vi phạm về pháo tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng, hoặc bị xử lý hình sự phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.
HÀ NAM (tổng hợp)
.