Tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi
Theo Bộ Công an, gần đây hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo qua không gian mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự.
Một đối tượng chuyên lừa đảo qua Zalo bị bắt giữ. |
Nhiều cách tiếp cận nạn nhân
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, hiện các thủ đoạn lừa đảo ngày càng trở nên xảo quyệt như: giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn…; sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu người bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu người bị hại chuyển tiền; khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của người bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của họ để chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho biết, gần đây, tội phạm lừa đảo lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn, như: tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thủ đoạn hết sức tinh vi. Chúng lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Không cung cấp thông tin cá nhân
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh nhằm răn đe. Trong năm 2021, riêng lực lượng cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 1.691 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 74,46%), xử lý 2.089 đối tượng. Trong quý 1, lực lượng cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 372 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 79,15%), xử lý 491 đối tượng.
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Trung tướng Tô Ân Xô khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, nhất là lực lượng công an, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, nhất là không nghe lời chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định. Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan (như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng); không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
(Theo sggp.org.vn)