.

Người mẹ đớn đau vì đứa con nát rượu

Cập nhật: 21:13, 25/06/2022 (GMT+7)

Buổi sáng, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử một vụ án giết người. Trong phòng xét xử số 1, người tham dự phiên tòa không đông vì dư âm của trận đại dịch Covid-19 vẫn còn, ai cũng đeo khẩu trang.

Ngoài hành lang, nhiều người vây quanh một người đàn bà khoảng ngoài 70 tuổi, là mẹ của bị cáo. Bà cũng là nhân chứng trong phiên tòa. Nhìn bà còm cõi, héo hon. Bà có rất nhiều tâm sự chất chứa trong những lá đơn bà đã viết, trong những lời bà cứ lặp đi lặp lại tại phiên tòa: “Tôi chỉ còn sống không bao lâu, nhưng tôi cũng không thiết sống nữa!…”. Rồi bà lập cập cầm cái túi nhỏ chứa đầy những lá đơn xin cứu xét, tất tả bước về phía Thư ký phiên tòa.

“Tôi là vợ của ông ấy, nạn nhân của vụ giết người. Ở tuổi 74 gần đất xa trời rồi mà ông ấy không được chết thanh thản lúc tuổi già. Ông chết trên đường đi cấp cứu với 4 nhát dao chí mạng. Vậy là những ngày còn lại của tôi đã mất hết ý nghĩa. Thế là đủ để tôi không còn muốn tiếp tục sống! Lại nữa, tôi còn là mẹ của tên tội phạm đại nghịch bất đạo đã chém chết cha mình. Những nhát dao của nó đã cắt đứt ruột tôi! Nó nói rằng đã không còn ý thức khi uống rượu say.

Minh họa: LD
Minh họa: LD

Nhiều người đã khuyên giải tôi, rằng tôi nên trở về với những đứa con khác, những đứa cháu nội tội nghiệp của tôi. Mấy ông tòa nói nó đã tự đánh mất quyền được làm người của mình, rằng tội ác của nó thuộc loại “Trời không dung. đất không tha!...”. Nhưng tôi không phải là Trời, cũng không phải là đất. Tôi chỉ là một người mẹ.

Tôi không muốn mất con tôi, không muốn bỏ con tôi! Nó là đứa con mà vợ chồng tôi thương yêu nhất! Những lúc tôi vắng nhà, nó đến lo cơm nước cho cha nó rất chu đáo. Nhưng nó chỉ là con của chúng tôi những lúc bình thường, như bao nhiêu năm tôi tảo tần nuôi bầy con khôn lớn. Từ khi nó biết uống rượu, những lúc nó say là tôi mất con. Khi đó, hình như có ma nhập vào nó. Nó không còn là con tôi, cũng chẳng còn là người!…

Nó vỗ ngực xưng danh, không gọi chồng tôi là cha, chẳng coi tôi là mẹ. Ông ấy bực tức la rầy, nó lớn tiếng cãi lại. Tỉnh rượu, nó lại đến hỏi han, xin lỗi, hứa hẹn. Tôi có còn yêu thương nó được nữa không? Nhiều người hỏi nhưng tôi không trả lời được. Tôi khóc lóc, van lạy, làm đơn xin cứu xét, đi năn nỉ từng người trong xóm để họ đồng ý tha cho nó, để xin chữ ký…

Có được hơn 200 chữ ký. Tôi có yêu thương nó nữa không!? Đứa con tôi rứt ruột đẻ ra, tiện tặn từng hạt muối để nuôi nó đến ngày khôn lớn, không thể là kẻ giết người. Chỉ là do rượu! Rượu đã giết chồng tôi, đã xui khiến con tôi thành tội phạm.Tòa bảo tôi rằng không thể dựa vào rượu để xin giảm tội cho nó, không thể dựa vào rượu để bào chữa cho hành động côn đồ, không thể dựa vào rượu để quy kết rằng nó giết cha trong trạng thái tâm thần vô ý thức…

Tôi biết các ông ấy nói đúng. Rượu đã mang đến thảm họa cho gia đình tôi. Con tôi kể rằng, những ngày nằm trong trại tạm giam, nó đã suy nghĩ, rất thấm thía về tội ác không thể dung thứ của mình. Tòa án lương tâm giày vò nó cả đời. Chẳng điều gì có ý nghĩa với tôi lúc này. Điều duy nhất tôi nhận thức được khi đối diện với nó ở tòa án, khi đi thăm nuôi nó trong trại giam là nó không có rượu để uống, để say nữa. Nó chỉ uống nước và nó trở lại là con tôi…”.

Phiên tòa kết thúc, bị cáo bị tuyên phạt 20 năm tù. Tiếng hú còi inh ỏi của chiếc xe đặc chủng chở con bà trở về trại tạm giam. Bà thở dài, luýnh quýnh ngoái nhìn rồi bước ra sân tòa án.Tôi hỏi: “Rồi bà đi đâu, có về quê không?”. Bà lắc đầu: “Tôi không biết. Về quê còn ai đâu. Tôi sợ về nhà, vì ở đó nhiều người uống rượu!...”.                                                                                              

DƯƠNG MINH

.
.
.