BÀI 2: Gian nan triệt phá "cát tặc"
Trong nhiều diễn đàn, hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã giải trình về tình trạng “cát tặc” lộng hành. Tuy nhiên, đến nay tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp khiến môi trường bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, đe dọa các công trình.
BẮT, XỬ LÝ HÀNG LOẠT VỤ VI PHẠM
Trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông tiềm ẩn nhiều hệ lụy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành có liên quan cùng các địa phương tăng cường quản lý, khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Công an tỉnh cũng đã ban hành 221 kế hoạch và công văn chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (VPPL) về môi trường, tài nguyên...
Nhiều tàu khai thác, vận chuyển trái phép cát bị tạm giữ. |
Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), lực lượng Cảnh sát giao thông, Tổ công tác liên ngành của tỉnh và huyện tăng cường lực lượng, thường xuyên tuần tra, theo dõi, kịp thời phát hiện hành vi khai thác cát trái phép tại các “điểm nóng”; tăng cường kiểm tra các bến, bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép, có dấu hiệu tiêu thụ cát do khai thác trái phép.
Thượng tá Nguyễn Tấn Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an Tiền Giang) cho biết: Công tác phòng, chống tội phạm và VPPL về bảo vệ môi trường, tài nguyên luôn được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Bộ Công an, Cục Cảnh sát môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh.
Ngành Công an đã tập trung kiểm tra, phát hiện xử lý nhiều vụ việc VPPL về môi trường, tài nguyên trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.
“Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình, nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên lĩnh vực môi trường, tài nguyên. Qua đó đã phục vụ tốt cho công tác phát hiện xử lý các tội phạm và VPPL về môi trường, tài nguyên trên địa bàn tỉnh”- Thượng tá Nguyễn Tấn Hải cho biết thêm.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Tiền Giang, từ năm 2017 - 2021, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ra 83 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; trong đó có 25 quyết định xử phạt đã thi hành với số tiền phạt thu được trên 5,4 tỷ đồng và có 58 quyết định chưa thi hành...
" Hiện lợi nhuận kinh tế từ các hoạt động kinh doanh cát rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu cát phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp mặt bằng các công trình, dự án ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long... ngày càng tăng cao để đảm bảo tiến độ các công trình, dự án nhưng nguồn cung (cát khai thác hợp pháp tại các mỏ) còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép từ sông Tiền ra khu vực biên giới biển của tỉnh Tiền Giang càng nhức nhối” ĐẠI TÁ TRẦN VĂN LE, CHỈ HUY TRƯỞNG BỘ CHỈ HUY BĐBP TỈNH TIỀN GIANG |
Còn riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt, xử lý 20 vụ/38 đối tượng (tăng 5 vụ/10 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021), ra quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng, tịch thu 3 máy hút cát, trên 324 ngàn m3 cát.
Mới đây, tại huyện Cái Bè, lực lượng Cảnh sát môi trường, Thanh tra Sở TN-MT phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, Tổ công tác liên ngành của tỉnh và huyện Cái Bè bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép. Cụ thể, lực lượng Công an đã kiểm tra phát hiện 10 vụ/22 đối tượng với số tiền phạt trên 935 triệu đồng, tịch thu 3 máy hút cát và trên 22.500 m3 cát…
Còn tại khu vực biên giới biển, theo số liệu từ Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Tiền Giang, từ năm 2020 đến nay, BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 41 vụ/47 đối tượng/41 phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 800 triệu đồng, tịch thu gần 8.000 m3 cát, bán sung công quỹ Nhà nước tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Trong đó, lực lượng BĐBP tỉnh vừa mật phục, truy bắt và đang xử lý 8 phương tiện khủng, với trên 3.000 m3 cát.
KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép. Theo các ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân khiến cho “cát tặc” hoành hành trong nhiều năm qua; trong đó, nguyên nhân chính là do “lợi nhuận khủng” từ việc khai thác cát trái phép nên các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó lực lượng chức năng…
Tổ công tác BĐBP lập biên bản, xử lý phương tiện vận chuyển cát trái phép. |
Đối với hoạt động của “cát tặc” trên tuyến sông, Thượng tá Nguyễn Tấn Hải, cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép hiện nay hoạt động rất tinh vi, manh động, chúng thường lợi dụng đêm khuya, tại các tuyến sông giáp ranh với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép.
Các đối tượng bố trí nhiều xuồng máy tốc độ cao chạy dọc các đoạn sông, nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép để cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo để các đối tượng rút vòi hút, neo đậu ghe, tàu…
“Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, chúng manh động sẵn sàng đâm thẳng ghe tàu vào phương tiện của cơ quan chức năng; sẵn sàng cho chìm tàu để tẩu thoát bỏ trốn; có trường hợp lực lượng chức năng phải truy đuổi 15 km (tuyến sông) và hỗ trợ của các lực lượng khác thì đối tượng mới dừng phương tiện, chấp hành kiểm tra”- Thượng tá Nguyễn Tấn Hải cho biết thêm.
Cuộc chiến triệt phá “cát tặc” tại khu vực biên giới biển cũng không kém phần gian nan và vất vả. Chúng cũng lợi dụng sơ hở của địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh để hoạt động khai thác, vận chuyển hoặc sang mạn cát trái phép.
Theo BĐBP tỉnh Tiền Giang, không riêng gì BĐBP, mà cả Công an, lực lượng và phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra, truy bắt còn mỏng. Trong khi đó, các hoạt động của các đối tượng chủ yếu diễn ra ở vùng biển ngoài khơi, khu vực rộng lớn, đêm tối, sóng to và luôn thay đổi cách thức hoạt động không theo quy luật, luôn tìm cách đối phó với sự kiểm tra của BĐBP, lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình bắt giữ và xử lý vi phạm.
“Các đối tượng “cát tặc” khi hoạt động trên biển thường mua chuộc ngư dân khai thác đánh bắt hải sản theo dõi lực lượng chức năng để thông báo và đối phó. Nếu bị phát hiện họ dùng điện thoại, báo cho chủ các phương tiện vi phạm khác bỏ chạy.
Một số đối tượng manh động sẵn sàng chống trả, không cho phương tiện của BĐBP tiếp cận kiểm tra, bơm và xả ngược cát xuống biển, thậm chí nhấn chìm phương tiện nhằm gây khó khăn cho công tác trục vớt, thu giữ tang vật, xử lý các đối tượng vi phạm” - Đại tá Trần Văn Le, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tiền Giang cho biết.
Bên cạnh đó cũng có những bất cập từ quy định xử lý như quy định chỉ xử phạt chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép. Trong khi đó, trên thực tế phương tiện chủ yếu là tàu chở hàng khô, tàu tải, sà lan được hoán cải, lắp đặt các thiết bị bơm hút cát chuyên dụng sai quy định; nhiều tàu, sà lan vận chuyển cát trái phép không có biển kiểm soát.
Người điều khiển và thuyền viên chủ yếu là người làm thuê, phần lớn không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, một số doanh nghiệp kinh doanh cát không được cấp phép khai thác mỏ cát và không có nguồn cát ổn định nên đã trực tiếp thu mua cát từ “cát tặc” để kinh doanh thu lợi bất chính.
Mặt khác, việc thiếu kinh phí phục vụ công tác tuần tra, thậm chí trả thù các phương tiện phục vụ truy bắt và những người tố giác… cũng là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc xử lý “cát tặc” trong thời gian qua.
HOÀNG ANH - ĐỨC ÁI
(Còn tiếp)