Bài cuối: Cần "liều thuốc" mạnh
BÀI 1: Theo dấu "cát tặc"
BÀI 2: Gian nan triệt phá "cát tặc"
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của “cát tặc”, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập nhằm kéo giảm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.
* PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG PHẠM VĂN TRỌNG:
Rất khó xử lý nhưng không phải không làm được
Lâu nay, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ khai thác cát trái phép, tuy nhiên rất khó để xử lý triệt để. Bởi thị trường cát hiện nay khan hiếm, nhu cầu sử dụng vật liệu này rất lớn cho các công trình, dự án. Vì lợi nhuận khủng nên “cát tặc” dùng thủ đoạn càng tinh vi, những vụ bắt được chỉ là phần nổi.
Tuy nhiên, dù rất khó xử lý nhưng không phải không làm được. Với chức năng nhiệm vụ của mình, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh phối hợp với ngành Công an và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép dọc sông Tiền thuộc địa phận Tiền Giang.
Đối với vấn đề báo chí phản ánh, người dân đặt nghi vấn, có hay không việc cán bộ bảo kê cho “cát tặc”, đề nghị cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phải rà soát nguồn tin từ đâu. Chúng ta tin tưởng cán bộ của mình, hiểu được những vất vả, hiểm nguy mà cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt, nhưng nếu có thông tin trái chiều về cán bộ, chiến sĩ thì cũng cần xem xét lại. Sắp tới tôi sẽ trực tiếp đi kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép dọc sông Tiền và sẽ tiếp tục có chỉ đạo cụ thể.
* TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI (HĐND TỈNH) NGUYỄN THỊ TUYẾT VÂN:
Cần tận dụng kênh Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh đã có đợt giám sát chuyên đề về tình hình quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và làm việc với UBND tỉnh. Vấn đề “cát tặc” được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo Công an tỉnh Tiền Giang cũng như ngành TN-MT tỉnh, một trong những khó khăn của lực lượng chức năng là quy định khiến cho việc xử phạt các đối tượng khai thác cát trái phép rất khó khăn.
Điển hình như quy định phải xử phạt chủ phương tiện, điều này “cát tặc” đã tranh thủ kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép thu về lợi nhuận khủng mà không cần “xuất đầu lộ diện”. Để tháo gỡ khó khăn này, theo tôi, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh là một kênh hiệu quả để giải quyết khó khăn này.
Bởi thời gian qua, tỉnh ta đã có những trường hợp các ngành kiến nghị về Trung ương với hàng loạt văn bản kéo dài nhiều năm không được giải quyết nhưng khi Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến ở các diễn đàn Quốc hội thì nhanh chóng được giải quyết.
Vì vậy, đối với những bất cập từ quy định xử phạt “cát tặc”, Công an Tiền Giang nên phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật, thậm chí là Luật Khoáng sản, gửi văn bản cho Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang để tranh thủ các kỳ họp Quốc hội hoặc các diễn đàn của Quốc hội có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương gỡ khó, thậm chí là sửa Luật nếu quy định gây khó khăn cho địa phương trong việc áp dụng vào các nhiệm vụ cụ thể.
* THƯỢNG TÁ NGUYỄN TẤN HẢI, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT MÔI TRƯỜNG (CÔNG AN TIỀN GIANG):
Tăng cường kiểm tra các bến, bãi tập kết, kinh doanh có dấu hiệu tiêu thụ cát khai thác trái phép
Ban Giám đốc Công an tỉnh vừa tổ chức cuộc họp kiểm điểm, đánh giá công tác đấu tranh, xử lý hành vi khai thác cát trong thời gian qua, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương đề ra các giải pháp mới, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép thời gian tới.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là lực lượng Công an tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát trái phép tại các “điểm nóng” thời gian qua báo chí phản ánh; khuyến khích nhân dân cung cấp tin có giá trị giúp lực lượng Công an nắm rõ tình hình hoạt động của các đối tượng để có biện pháp tổ chức kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra các bến, bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép, có dấu hiệu tiêu thụ cát do khai thác trái phép; sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh (Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp) tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát trái phép tại địa bàn giáp ranh đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
* ĐẠI TÁ TRẦN VĂN LE, CHỈ HUY TRƯỞNG BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH TIỀN GIANG:
Mở cao điểm tuần tra, kiểm soát
Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm văn bản, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh BĐBP về đấu tranh, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Theo đó, BĐBP sẽ mở cao điểm và tổ chức lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát, mật phục trên cửa sông, cửa biển, vùng biển của tỉnh và giáp ranh, nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý chặt chẽ; tập trung xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển của tỉnh.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng không kinh doanh, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép hoặc tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực
khoáng sản.
* PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CÁI BÈ LÊ VĂN Ý:
Nhà nước nên nghiên cứu cấp phép khai thác các mỏ cát
Việc xử lý khai thác cát trái phép có những khó khăn về pháp lý, quản lý phương tiện vi phạm, trang thiết bị và kinh phí phục vụ tuần tra... Mặt khác, các đơn vị kiểm tra thường bị “cát tặc” theo dõi nên khi kiểm tra phải thuê phương tiện của ngư dân, vừa bị động vừa tốn kém.
Tình trạng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân xung quanh và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Chính vì lẽ đó, để xử lý triệt để nạn khai thác cát trái phép, theo tôi, Nhà nước, các ngành, các cấp nên có nghiên cứu khảo sát trữ lượng cát trên sông Tiền để các doanh nghiệp đấu giá đưa vào khai thác.
Thay vì cấm không cho khai thác thì có cơ chế cho phép khai thác nhưng nằm trong sự quản lý của Nhà nước. Điều này vừa thu được nguồn thu cho ngân sách địa phương, vừa tạo điều kiện để người hành nghề khai thác cát khai thác hợp pháp và cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các công trình, dự án không bị thiếu cát. Bởi khi thiếu cát thì buộc phải sử dụng nguồn cát khai thác lậu để đảm bảo tiến độ công trình.
Ngày 29-9-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 38 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ TN-MT tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi… |
HOÀNG ANH - ĐỨC ÁI