Nẻo về ấm áp
“Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người vốn dĩ sinh ra đã mang tính thiện. Song, có một số người, trong cuộc sống, vì một lý do nào đó, đã chọn lối rẽ sai lầm trước bước ngoặt của đời mình, đi về phía tiêu cực và trượt dài tội lỗi. Để tạo điều kiện cho người sai sửa đổi, đã có những nơi, những tấm lòng giúp người phạm tội hướng thiện, vươn lên. Đó là các cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân. Song song đó, sự nhân ái, bao dung của cộng đồng, người thân; sự quan tâm của địa phương nơi cư trú khi người sai tìm về nẻo thiện là nguồn động viên, sự khích lệ để họ không tái phạm tội. Khi nẻo về ấm áp, cuộc sống sẽ bình yên, tươi sáng hơn với người biết sửa sai, sống tốt.
Người phạm tội, trước khi vào trại giam chấp hành án phạt tù thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn…; tính chất, mức độ vi phạm pháp luật cũng như diễn biến tư tưởng đều khác nhau. Tuy nhiên, khi được uốn nắn một cách nghiêm khắc và tình cảm, hầu hết phạm nhân đều có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành động để sửa đổi bản thân, làm lại cuộc đời. Đây cũng là niềm vui của người làm công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân.
Chính quyền địa phương gặp và thăm hỏi ông Tiết cùng gia đình. |
Gần đây, các trại giam thực hiện quy định bữa cơm gia đình. Theo đó, phạm nhân đăng ký trước và được ăn trưa cùng người thân. Những buổi thăm gặp đặc biệt như thế, có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của phạm nhân, thúc đẩy họ quyết tâm sửa đổi bản thân, chấp hành tốt nội quy giam giữ, tích cực lao động, cải tạo để sớm được về với gia đình.
Tại Trại giam Phước Hòa, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, đơn vị đóng trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, hằng ngày, đều có vài gia đình đến thăm nuôi, đăng ký ăn cơm trưa cùng người thân đang chấp hành án tại trại giam. Một phụ nữ ngụ huyện Cai Lậy cho biết, nhờ những bữa cơm như thế, chị gặp gỡ, động viên con trai đang chấp hành án nên con chị đã thật sự thay đổi so với trước. Chị mong con mình sẽ sống tốt hơn khi về với gia đình. Gia đình chị cũng yên tâm chờ ngày con trở về với sự thay đổi tâm tính, hành vi.
Việc thực hiện tốt chính sách giam giữ của trại giam không chỉ tạo điều kiện cho phạm nhân yên tâm cải tạo tiến bộ, mà còn phát huy kiến thức của những phạm nhân đã được đào tạo, học hành bài bản ở các lĩnh vực, ngành nghề trước khi phạm tội, tránh trường hợp phạm nhân là những trí thức sẽ lãng quên kiến thức trong thời gian chấp hành án.
Ông Tiết với việc chăn nuôi hằng ngày. |
Trước khi phạm tội, phạm nhân Phan Thành Mai đang chấp hành án tại Trại giam Phước Hòa được đào tạo, học hành bài bản. Trong thời gian chấp hành án với tinh thần, thái độ tốt, anh được tạo điều kiện viết sách hướng dẫn khởi nghiệp cho các phạm nhân khác. Hiện sách của anh đã được thẩm định và đang đưa ra Hội đồng khoa học của Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an thẩm định, phát hành. Đây là hành trang quý giá cho phạm nhân Mai khi chấp hành xong án phạt tù. Phạm nhân Mai chia sẻ: “Anh là người may mắn, vì khi phạm lỗi, anh được gia đình, người thân sẵn sàng tha thứ, luôn động viên anh yên tâm học tập cải tạo”.
Còn anh Đoàn Công Hải, sau khi chấp hành xong án phạt tù 6 tháng, anh đã quay trở lại Trại giam Phước Hòa với tư cách là khách mời, là 1 công dân lương thiện, chính chắn. Anh đến để cảm ơn những người đã giúp anh đi qua khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời mình. Anh báo tin vui sắp lập gia đình và đã có việc làm ổn định tại nơi cư trú thuộc quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, đi cùng anh là người vợ sắp cưới, ngụ huyện Cai Lậy. Vợ anh đã cảm thông, chia sẻ và khẳng định chắc chắn sẽ là điểm tựa để anh vững vàng bước tiếp khi trở về với cộng đồng.
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Tiết sau khi chấp hành xong án phạt tù tại Trại giam Phước Hòa, khi trở về địa phương, sinh sống tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông đã có cuộc sống ổn định, nhờ có sự yêu thương của gia đình, sự cảm thông của họ hàng, làng xóm và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Cuộc sống ổn định của ông Tiết và gia đình là sự minh chứng cho kết quả của công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục người sau chấp hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. Công tác này được thực hiện tốt tại các địa phương, ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội. Cụ thể trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục người sau chấp hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng được các ngành, các cấp quan tâm.
Thượng tá Võ Minh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Có nhiều mô hình giúp đỡ người sau chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, tình hình tái phạm tội hằng năm đều giảm. Trong thời gian tới, công tác quản lý, giúp đỡ người sau chấp hành án phạt tù trở về địa phương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bằng các kế hoạch phối hợp cụ thể giữa lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể.
Cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao với những ai chưa bao giờ vấp ngã, nhưng cũng không hề nghiệt ngã với những người trót lỗi lầm biết hướng thiện vươn lên. Điểm tựa yêu thương cho người phạm tội an tâm lao động, cải tạo, sớm trở lại với đời là tình thân, là trách nhiệm, sự bao dung, sẵn sàng giúp đỡ của động đồng và nẻo về sẽ luôn ấm áp đối với người đã sửa sai, hướng thiện, vươn lên.
THANH DUY