.

Tiền Giang: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát sông và cửa biển

Cập nhật: 16:53, 12/04/2023 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản; qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm 2022 đến nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, tổng số tiền phạt 17.996.737.640 đồng, tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm hành chính gồm 7.587,378 m3 cát san lấp.

Tuy nhiên, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông) vẫn diễn biến phức tạp (tập trung nhiều tại đoạn sông thuộc các xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây); xã Tân Thới, Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông); xã Ngũ Hiệp, Tân Phong (huyện Cai Lậy); xã Hòa Hưng, Hòa Khánh (huyện Cái Bè); dư luận, báo chí đưa tin và nhân dân có đơn thư phản ánh; nhưng công tác đấu tranh, xử lý của các cấp, các ngành chức năng vẫn còn hạn chế, chưa triệt để, số vụ phát hiện kiểm tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình, diễn biến hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra.

Dự báo thời gian tới, do nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông rất cao, lợi nhuận lớn trong khi các quy định pháp luật, công tác quản lý nhà nước vẫn còn những bất cập chưa được hoàn thiện, điều chỉnh, nên tình hình khai thác cát trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch với các nội dung chi tiết và cụ thể như sau:

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn tỉnh nhằm kéo giảm, từng bước giải quyết triệt để vi phạm; cụ thể hóa nhiệm vụ, trách nhiệm, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thường xuyên đánh giá ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát lòng sông để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

3. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông); kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ phụ trách lĩnh vực, địa bàn khi để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, để báo chí phản ánh.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản; trọng tâm là Chỉ thị 38 ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng xuất khẩu khoáng sản; Nghị định 23 ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Công văn 1231 ngày 11-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ đê điều; Chỉ thị 03 ngày 6-10-2016 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 68 ngày 16-3-2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 03 ngày của Tỉnh ủy Tiền Giang; Quyết định 3717 ngày 24-12-2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Tăng cường tổ chức phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép. Giải quyết dứt điểm các “tụ điểm” phức tạp về hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, không để nhân dân bức xúc, gửi đơn thư phản ánh nhiều nơi mà không được giải quyết thỏa đáng; để báo chí phản ánh gây bức xúc trong dư luận.

3. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn Tiền Giang, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay, không để tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

4. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản; thông qua công tác kiểm tra, xử lý, tổ chức phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông công khai kết quả xử lý nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng tình ủng hộ của các cấp, ngành và nhân dân.

5. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành cấp huyện trong kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép thuộc trách nhiệm quản lý.

XÁC ĐỊNH ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM

- Huyện Cái Bè: Xã Tân Thanh, Hòa Hưng, Hòa Khánh (cụ thể: Khu vực cách cầu Mỹ Thuận 800 m về phía hạ nguồn, vàm Cái Thia).

 - Huyện Cai Lậy: Xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong (cụ thể: Xung quanh khu vực Bến đò Cây Dương, cầu Hiệp Đức, xung quanh cồn Tân Phong, cồn Ngũ Hiệp…).

- Huyện Châu Thành: Xã Kim Sơn, Bình Đức, Phú Phong.

- TP. Mỹ Tho: Xung quanh khu vực cồn Thới Sơn, xã Thới Sơn (tập trung đầu cồn, giáp ranh xã Song Thuận, huyện Châu Thành).

- Huyện Chợ Gạo: Xã Bình Ninh, xã Xuân Đông.

- Huyện Gò Công Tây: Xã Vĩnh Hựu, Bình Tân (đoạn từ phà Rạch Vách đến cống Vàm Giồng; phà Tân Long giáp ranh Gò Công Đông).

- Huyện Tân Phú Đông: Xã Tân Thới, Phú Thạnh, Tân Phú (Bến phà Bình Ninh, Bến phà Vàm Giồng, Bến phà Rạch Vách, Bến phà Tân Long).

- Huyện Gò Công Đông: sông Soài Rạp, Sông Vàm Cỏ (giáp TP. Hồ Chí Minh).

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu UBND tỉnh:

- Lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

- Thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai thác.

- Chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc xử lý các hoạt động khai thác, tập kết trái phép cát, sỏi trên địa bàn quản lý; trường hợp cấp huyện không giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển nhượng các bãi tập kết, kinh doanh cát; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan xử lý các trường hợp vận chuyển cát, sỏi quá tải trọng và không rõ nguồn gốc hợp pháp.

c) Phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

d) Quản lý, lưu trữ và cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan về tình hình cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ của các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; tình hình cho thuê đất để tập kết kinh doanh cát, sỏi.

đ) Thông báo đường dây nóng và công khai số điện thoại để nhân dân biết và tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; đồng thời có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.

2. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình, tăng cường kiểm tra, xử lý tại các điểm phức tạp về khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh cát, sỏi trái phép. Xử lý kịp thời các đối tượng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; các đối tượng mua, bán cát không có nguồn gốc hợp pháp; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi không có đăng ký, đăng kiểm, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, chở quá khổ, quá tải. Lập án đấu tranh, khởi tố hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; thông báo cho chính quyền địa phương biết khi phát hiện và xử lý đối tượng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép.

b) Lập đường dây nóng và công khai số điện thoại để nhân dân biết và tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; đồng thời có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông, cửa biển.

d) Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng cùng cấp trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức nắm tình hình; chủ động kiểm tra và xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép tại khu vực thuộc đất dành riêng cho quốc phòng, khu vực quy hoạch đất quốc phòng.

b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp tham gia ý kiến thẩm định quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi theo thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh ngăn chặn các trường hợp vi phạm khai thác, tập kết cát, sỏi trên địa bàn; phối hợp hỗ trợ công tác kiểm tra hoạt động khai thác cát, tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

a) Tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn các trường hợp vi phạm khai thác, tập kết cát, sỏi trên địa bàn quản lý; phối hợp tham gia ý kiến thẩm định quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi; cấp phép hoạt động khoáng sản đối với các khu vực mỏ trong khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh.

b) Chỉ đạo các đơn vị thuộc quản lý thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý người, phương tiện khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc hợp pháp trong khu vực biên giới, vùng biển; tiến hành kiểm soát xác định tính hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn biên giới, vùng biển hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Sở Giao thông Vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý những trường hợp không tuân thủ các quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

b) Phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi chưa được khai thác liên quan đến tuyến đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý.

c) Chủ trì, phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để bơm, hút cát gắn trên phương tiện thủy nội địa; rà soát, điều chỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch và hướng dẫn việc cấp phép bến thủy nội địa (hoặc bến chuyên dùng) theo quy định.

d) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp tham gia ý kiến chấp thuận chủ trương địa điểm bãi tập kết cát, sỏi theo quy định; chỉ đạo Thanh tra Sở và các phòng liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển cát, sỏi trên phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa quá tải trọng cho phép.

6. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát nguồn cát, sỏi có khả năng khai thác, xác định nhu cầu sử dụng từng giai đoạn cụ thể để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác phù hợp với thực tế.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, yêu cầu các đơn vị phải ghi cụ thể các thông số chính của phương tiện khai thác cát trong hồ sơ thiết kế như: Công suất máy; chiều dài vòi hút; đường kính vòi hút... tương ứng với chiều dày thân khoáng của từng mỏ.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát quy trình, quy phạm khai thác của các đơn vị được cấp phép theo thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt; việc tập kết của các đơn vị được cấp phép theo thiết kế xây dựng (đối với các bãi tập kết) được thẩm định, phê duyệt; đôn đốc việc công bố hợp quy 10 chất lượng sản phẩm theo quy định; quản lý việc sử dụng khoáng sản cát, sỏi theo đúng mục đích.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với UBND cấp huyện và các ngành có liên quan thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý các đơn vị được Nhà nước giao thực hiện các dự án xử lý khơi thông dòng chảy, khắc phục hiện tượng sạt lở, bảo vệ bờ, bãi sông và đê điều theo đúng quy định của pháp luật.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá, cấp phép thăm dò, khai thác theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm cấp phép khai thác và lập bãi tập kết cát, sỏi theo đúng quy định của pháp luật.

d) Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi đi qua các tuyến đê vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ lòng sông. Đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai.

8. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không rõ nguồn gốc hợp pháp.

9. Cục Thuế tỉnh

a) Chỉ đạo các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Kiểm tra, xác minh hóa đơn bán hàng, mua hàng; phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sử dụng cát, sỏi. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường về sản lượng cát, sỏi lòng sông của các tổ chức, cá nhân khai thác đã kê khai quyết toán thuế hằng năm để thực hiện đối chiếu, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

10. Sở Nội vụ

a) Hướng dẫn về trình tự, thủ tục khen thưởng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng kịp thời hoặc xem xét kỷ luật đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong công tác quản lý cát, sỏi lòng sông.

11. Sở Truyền thông và Thông tin

Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, hệ thống truyền thanh cơ sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông.

12. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

a) Chỉ đạo các phòng, ban, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Kế hoạch này và các quy định pháp luật về khoáng sản đến mọi tầng lớp nhân dân; thông báo trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện thông tin về các khu vực mỏ cát, sỏi lòng sông được cấp phép trên địa bàn như: Số giấy phép, vị trí, diện tích, tên tổ chức được cấp phép khai thác.

b) Xây dựng phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn quản lý, trong đó quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

c) Lập đường dây nóng và công khai số điện thoại để nhân dân biết và tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn; có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.

d) Trong trường hợp cần thiết phải lập tổ công tác hoạt động 24/24 giờ để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép kịp thời, có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ, khen thưởng kịp thời đối với các thành viên tổ công tác tham gia xử lý, trấn áp các hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép.

đ) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện có chung ranh giới hành chính là các dòng sông để xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh, trong nội dung quy chế phải quy định tổ chức họp giao ban tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng một lần.

e) Tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết trái phép cát, sỏi trên địa bàn; khi phát hiện các đơn vị được cấp phép khai thác vi phạm quy định của pháp luật hoặc hành vi khai thác cát trái phép phải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND cấp xã huy động lực lượng để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo ngay cơ quan cấp trên trực tiếp để xử lý. Đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát, phải báo cáo ngay cơ quan cấp trên. Các trường hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện thoại, sau đó phải có văn bản báo cáo cụ thể.

f) Chỉ đạo Công an huyện, các đơn vị trực thuộc kiểm tra, kiểm soát việc chất tải, vận chuyển cát đi tiêu thụ của các chủ mỏ, chủ bãi tập kết; khi phát hiện có hiện tượng vận chuyển quá tải phải xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay với cơ quan cấp trên để xử lý kịp thời theo quy định. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; ngăn chặn, bắt giữ các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm lưu hành trên địa bàn.

g) Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về công tác quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

13. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về khoáng sản đến mọi tầng lớp nhân dân; thông báo niêm yết công khai thông tin về các khu vực mỏ cát, sỏi lòng sông (giấy phép, vị trí, diện tích, thời gian khai thác, tổ chức được cấp phép khai thác) được cấp phép khai thác trên địa bàn tại trụ sở UBND xã.

b) Lập đường dây nóng và công khai số điện thoại để nhân dân biết và tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn; có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.

c) Chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết trái phép cát, sỏi trên địa bàn; khi phát hiện các đơn vị được cấp phép khai thác vi phạm quy định của pháp luật phải chủ động huy động lực lượng để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo ngay cơ quan cấp trên trực tiếp để xử lý. Đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát, phải báo cáo ngay cơ quan cấp trên. Các trường hợp khẩn cấp có thể thông báo qua điện thoại, sau đó phải có văn bản báo cáo cụ thể.

d) Giám sát việc vận chuyển cát, sỏi đi tiêu thụ của các chủ mỏ, chủ bãi tập kết; khi phát hiện có hiện tượng vận chuyển quá tải phải xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay với cơ quan cấp trên để xử lý kịp thời theo quy định. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm lưu hành trên địa bàn.

đ) Tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đối với đất bờ bãi sông. Vận động người dân có đất được giao không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (các khu vực đất bãi đang canh tác) cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn nhằm tránh nguy cơ các đối tượng lợi dụng để khai thác cát trái phép.

e) Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM

1. Căn cứ xác định trách nhiệm người đứng đầu (hoặc cấp phó được giao phụ trách) dựa trên kết quả công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ cát ở từng địa bàn để xem xét, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu theo các mức sau đây:

a) Căn cứ vào mức độ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại kế hoạch này, các nhiệm vụ khác do cấp trên giao và các quy định pháp luật khác có liên quan gồm:

- Thực hiện đầy đủ;

- Có thực hiện nhưng không đầy đủ hoặc không đúng phương pháp.

- Không thực hiện.

b) Căn cứ vào diễn biến thực tế trên địa bàn, cụ thể:

- Không để xảy ra các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông;

- Để xảy ra các trường hợp vi phạm nhưng hậu quả không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến công trình đường bộ và đường thủy nội địa, đê điều, các công trình thủy lợi, môi trường, đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; chưa gây bức xúc trong nhân dân, báo chí chưa phản ánh.

- Để xảy ra tình trạng vi phạm không có biện pháp xử lý; xử lý thiếu kiên quyết để tái diễn vi phạm gây ảnh hưởng đến công trình đường bộ và đường thủy nội địa, đê điều, môi trường, công trình thủy lợi, sạt lở bờ, bãi sông, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân để nhân dân gởi đơn phản ánh đến các cấp nhiều lần chưa giải quyết thỏa đáng; để báo chí phản ánh, dư luận quan tâm, đánh giá.

2. Các hình thức xử lý trách nhiệm

a) Xử lý bằng hình thức đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hằng năm gồm:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ: Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại phương án này, các nhiệm vụ khác do cấp trên giao; không để xảy ra các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết vận chuyển cát.

- Hoàn thành nhiệm vụ: Đã thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại phương án này, các nhiệm vụ khác do cấp trên giao; có để xảy ra các trường hợp vi phạm nhưng hậu quả không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến công trình đường bộ và đường thủy nội địa, đê điều, các công trình thủy lợi, môi trường, đã phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

- Không hoàn thành nhiệm vụ: Không thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại phương án này và các nhiệm vụ khác do cấp trên giao; để xảy ra tình trạng vi phạm không có biện pháp xử lý; xử lý thiếu kiên quyết để tái diễn vi phạm gây ảnh hưởng đến công trình đường bộ và đường thủy nội địa, đê điều, môi trường, công trình thủy lợi; ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

b) Xử lý bằng hình thức kỷ luật: Căn cứ mức độ diễn biến thực tế trong công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị xử lý trách nhiệm bằng một trong các hình thức kỷ luật được quy định tại Nghị định 112 ngày 18-9-2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC

Trách nhiệm phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong việc cung cấp, xử lý thông tin và giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung và trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã được quy định cụ thể tại Quyết định 264 ngày 29-1-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, vận chuyển cát, sỏi lòng sông và Quyết định 3717 ngày 24-12-2015 của UBND tỉnh về ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn Tiền Giang và các quy định có liên quan của pháp luật.

DỰ TOÁN KINH PHÍ

Hằng năm các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ nội dung kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh - Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

 Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; 6 tháng, 1 năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này đến UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý; thông báo công khai nội dung Kế hoạch tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này đối với UBND các xã, phường, thị trấn để kịp thời chấn chỉnh.

3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét.

 

 


 

 

.
.
.