Bộ đội Biên phòng Tiền Giang: Nâng cao nhận thức phòng, chống IUU cho ngư dân
(ABO Để mỗi chuyến ra khơi khai thác thủy sản của ngư dân được an toàn, không vi phạm hoặc vướng mắc các quy định về pháp luật trong nước lẫn các nước láng giềng, việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến hoạt động quản lý khai thác thủy sản; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) cho chủ tàu cá, ngư dân và doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thủy sản là việc làm hết sức cần thiết.
Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, cả nước có 69 vụ/113 tàu với 708 ngư dân của Việt Nam bị các nước láng giềng bắt giữ. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có 4 vụ/5 tàu. Cụ thể, năm 2020 xảy ra 1 vụ/2 tàu, năm 2021 xảy ra 1 vụ/1 tàu, năm 2022 có 2 vụ/2 tàu. Điều đó nói lên rằng, vẫn còn một số tàu cá do lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, ngặn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, nhằm gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Trước tình hình đó, các lực lượng và cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các văn bản có liên quan đến cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm hải sản từ khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cho các doanh nghiệp, chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân… để họ nhận thức được rằng nếu vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung, ngành Thủy sản nói riêng; đồng thời, gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế, tác động đến đời sống, sinh kế cộng đồng người dân ven biển, các thành phần kinh tế có liên quan, đặc biệt là ngư dân trực tiếp tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn không ít tàu cá sau khi xuất bến đã tắt các thiết bị giám sát hành trình, đưa phương tiện ra khai thác trên các khu vực chưa được phân định, khu vực chồng lấn giữa Việt Nam với các nước hoặc đi vào vùng biển của nước láng giềng khai thác và bị các lực lượng chấp pháp của nước ngoài bắt giữ.
Trạm Kiểm soát Biên phòng Vàm Láng kiểm tra và lồng ghép tuyên truyền cho các chủ phương tiện khai thác thủy sản trên biển. |
Trong các đợt thông tin tuyên truyền về IUU cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân trên địa bàn huyện Gò Công Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tiến Diệt cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thiết bị giám sát hành trình là thiết bị để xử phạt vi phạm hành chính cũng giống như thiết bị bắn tốc độ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Sắp tới, nếu như tàu cá Việt Nam vượt ranh giới trên biển được cảnh báo bằng hệ thống giám sát hành trình, chủ tàu sẽ bị xử phạt khoảng 90 triệu đồng; tàu cá mất kết nối trên 10 ngày thì chủ tàu sẽ bị xử phạt khoảng 25 triệu đồng…
Do vậy, các chủ tàu, thuyền trưởng cần phải nắm vững nội dung các quy định của Nhà nước đối với việc vừa khai thác đánh bắt nhưng phải đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, tránh vi phạm pháp luật khi hành nghề trên biển, đặc biệt là ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng các tàu cá, ngư dân Tiền Giang vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện các thủ tục đăng kiểm, đánh dấu, đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản cũng như các quy định về an toàn thực phẩm tàu cá; thông tin về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt một số hành vi vi phạm trong khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Ông Phan Văn Sáu (khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) chia sẻ: “Tôi là chủ phương tiện tàu cá, có tham dự các buổi tuyên truyền pháp luật thì mới hiểu để về nhà dặn dò cho con em mình đánh bắt thủy sản không được qua nước bạn. Bản thân tôi phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, để thủy sản mình được xuất khẩu và gỡ "thẻ vàng" cho bà con ổn định làm ăn”.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo yêu cầu thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến lúc cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển (6 giờ/lần) và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng.
Ông Phạm Thanh Hải (khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) chia sẻ: “Nếu mà mình vi phạm luật pháp thì sẽ bị phạt, như vậy ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Do vậy, vấn đề IUU rất quan trọng, bản thân mình và ngư dân cần phải tiếp thu và thực hiện. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kiểng Phước tuyên truyền về IUU, bản thân tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền lại đến những người khác”.
Các buổi tuyên truyền nhằm giúp cho các chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức pháp luật, nắm vững các nội dung quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản và nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, tránh vi phạm pháp luật trên biển. Đặc biệt là ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng các tàu cá, ngư dân Tiền Giang vi phạm vùng biển nước ngoài, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế cộng đồng người dân ven biển.
ĐOÀN PHÁT - HÀ NAM
.