Thứ Hai, 15/05/2023, 10:20 (GMT+7)
.
NGĂN CHẶN "CÁI CHẾT TRẮNG"

BÀI CUỐI: Cần có giải pháp đồng bộ và quyết liệt

BÀI 1: Ma túy - Cuộc chiến còn gian nan

BÀI 2: Hệ lụy từ ma túy

BÀI 3: Vì đâu ma túy vẫn còn "đất sống"?

Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Công an, cần sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp và toàn xã hội.

* ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN NHỰT, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH TIỀN GIANG: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp phòng ngừa xã hội

Với vai trò trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thời gian tới, ngành Công an sẽ tập trung triển khai các giải pháp để nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống ma túy, chủ động phòng ngừa ngăn chặn từ cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội; tập trung đánh trúng, đánh mạnh các đường dây, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

Song song đó, lực lượng Công an sẽ duy trì và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công an và Bộ đội Biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tuyến biên giới biển. Đồng thời, ngành Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh nhằm giáo dục phòng ngừa, răn đe tội phạm. Lực lượng Công an sẽ phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn.

Ngoài ra, ngành Công an sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động liên quan đến tiền chất dùng để sản xuất trái phép chất ma túy thuộc danh mục Chính phủ quy định; tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê, lên danh sách các đối tượng nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp theo quy định hiện hành. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng nghiện ma túy; giải quyết các vấn đề xã hội cho đối tượng sau cai nghiện, làm giảm tỷ lệ tái nghiện, hạn chế phát sinh người nghiện ma túy mới...

* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG PHAN THANH VÂN: Nhanh chóng triển khai, thực hiện Nghị quyết 01

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Tiền Giang mới đây đã ban hành Nghị quyết 01 quy định về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy và người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Nghị quyết 01).

Nghị quyết 01 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh và đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thường xuyên cập nhật thông tin đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vào hệ thống phần mềm quản lý thông tin người nghiện ma túy để quản lý được quá trình cai nghiện của những đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc và đối tượng sau cai nghiện ma túy.

Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, hội - đoàn thể, các địa phương tập trung nâng cao nhận thức, đổi mới biện pháp điều trị nghiện, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện ma túy, bao gồm vận động người nghiện ma túy đăng ký điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy.

Đồng thời, chỉ đạo chính quyền cấp huyện, xã tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 120 ngày 24-12-2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả cao nhất, không vì lý do làm trong sạch địa bàn mà tập trung đưa người nghiện vào Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 01 mà HĐND tỉnh vừa thông qua để đưa nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.

* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG HUỲNH THỊ PHƯỢNG: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học

Công tác phòng, chống ma túy trong nhà trường không chỉ ngăn chặn tệ nạn ma túy, mà còn góp phần giáo dục lối sống, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, sinh viên. Trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai thực hiện đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm xâm nhập vào nhà trường. Trong đó, Sở GD-ĐT kết hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm ma túy trong môi trường học đường.

Để phòng, chống tệ nạn ma túy trong trường học đạt hiệu quả, thời gian tới, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tuyên truyền cho công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên nắm vững các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của đơn vị. Đồng thời, đại diện các trường học ký cam kết thực hiện các nội dung về phòng, chống ma túy. Cùng với đó, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống ma túy cho giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, cán bộ quản lý giáo dục ở 11 huyện, thành, thị. Ngoài ra, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, sinh viên nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường.

* PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ KIỀU TIÊN: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng, chống ma túy

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan, kịp thời tiếp cận, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, phụ nữ chấp hành xong án phạt, cai nghiện trở về địa phương để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ (học nghề, tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm…), tạo điều kiện giúp đỡ họ khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm bản thân hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật…

Để góp phần kéo giảm tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp Hội LHPN tiếp tục nghiên cứu nâng chất, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả tại cơ sở như: Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Phòng, chống ma túy từ gia đình”; Tổ “Phụ nữ không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”; Chi hội “Phụ nữ 5 không 3 sạch”; phối hợp các ngành thực hiện mô hình “Camera an ninh”, Tổ “An ninh công nhân”; đồng thời, đề xuất khen thưởng các mô hình có hiệu quả tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm của nhân dân tại địa phương.

* THƯỢNG TÁ TRẦN THANH TÙNG, TRƯỞNG CÔNG AN HUYỆN CÁI BÈ: Chủ động phòng ngừa ngăn chặn từ cơ sở

Để phòng, chống tội phạm về ma túy hiệu quả, lực lượng Công an phải nắm chắc địa bàn, đối tượng, kết hợp các biện pháp phòng ngừa xã hội với biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý sớm, không để phát sinh tụ điểm phức tạp. Đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng sử dụng và có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy. Từ đó chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xuyên suốt từ sớm, từ xa, từ cấp cơ sở; đồng thời, tập trung vào nhóm đối tượng nghiện, các điểm, dịch vụ kinh doanh có điều kiện tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua, bán và người sử dụng chất ma túy.

Cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể từ cơ sở phải làm tốt công tác an sinh xã hội, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn, áp lực, thiếu thốn tình cảm... Ngoài ra, phải làm tốt công tác tuyên truyền từ cộng đồng, gia đình, nhất là thanh, thiếu niên hiểu đúng, hiểu đủ về tác hại và hệ lụy từ ma túy; phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động nhân dân khi phát hiện, mạnh dạn tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; đặc biệt là chung tay cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội và người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư. Cùng với đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các chương trình mục tiêu khác như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm của lực lượng Công an mà rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và sự chung tay góp sức của người dân vì một xã hội hạnh phúc và phát triển.

NHÓM PV (lược ghi)

.
.
.