.

Tiền Giang: Kiên quyết xử lý khai thác cát trái phép

Cập nhật: 10:14, 19/07/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông, đạt nhiều kết quả quan trọng.

NGUYÊN NHÂN CỦA KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP

Có thể nói một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra là do nguồn lợi nhuận rất lớn, nên các đối tượng bất chấp pháp luật để hoạt động. Theo phân tích của các ngành chức năng, trên tuyến sông Tiền địa bàn tỉnh Tiền Giang có trữ lượng cát rất lớn.

 Lực lượng chức năng bắt giữ phương tiện và đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Tiền.
Lực lượng chức năng bắt giữ phương tiện và đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Tỉnh hiện có 20 khu vực mỏ được cấp phép khai thác, tuy nhiên đã hết hạn khai thác từ năm 2016 đến nay chưa được gia hạn; có 15 khu vực mỏ đã được cấp phép thăm dò (14 khu vực mỏ đã được phê duyệt trữ lượng; 1 khu vực chưa phê duyệt trữ lượng) nhưng chưa cấp phép khai thác. Trong khi nguồn cung cát khan hiếm, mà nhu cầu lớn đã đẩy giá cát san lấp lên cao.

Theo số liệu của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh Tiền Giang cần khoảng 24 triệu m3 cát phục vụ cho 21 công trình, dự án lớn của tỉnh, chưa kể nhu cầu riêng lẻ của nhân dân để xây dựng nhà ở. Mặt khác, quy định của pháp luật cũng còn những hạn chế nhất định trong việc xử lý khai thác cát trái phép như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong áp dụng thực tế công tác đấu tranh, xử lý.

Còn theo Công an tỉnh Tiền Giang, công tác kiểm tra, bắt giữ các phương tiện vi phạm trên sông còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có một số vụ các đối tượng vi phạm không hợp tác, bỏ trốn, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, phương tiện sử dụng để kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép đều được thuê của người dân (như đò du lịch, ghe chài lưới...), có công suất nhỏ không thể truy bắt các tàu sắt công suất lớn hơn của các đối tượng và cũng không đảm bảo tính bí mật.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương cũng chưa quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế...) nên gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện giao thông thủy (sà lan, tàu, ghe…) có hoán cải, gắn thêm thiết bị máy bơm, ống dẫn để phục vụ việc bơm hút cát trái phép, không đúng với hồ sơ đăng ký, đăng kiểm chưa được ngành chức năng xử lý triệt để, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng có phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Những vấn đề trên là một số nguyên nhân cơ bản, dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở một số thời điểm, một số nơi vẫn còn diễn ra.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Dự báo nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát san lấp rất lớn, lợi nhuận cao, trong khi các quy định pháp luật còn nhiều bất cập chưa hoàn thiện, nên tình trạng vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý khai thác cát trái phép, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm của 11 sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Ngoài ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh quán triệt nâng cao nhận thức rõ trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương nhất là cấp huyện, xã với tội phạm này. Các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ đối tượng có dấu hiệu vi phạm... để xây dựng kế hoạch đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật.

 

Năm 2022, Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt, xử lý 94 vụ/143 đối tượng vi phạm khai thác, vận chuyển cát trái phép, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng, tịch thu 3 phương tiện, 3 máy hút cát, gần 500 m3 cát. Riêng quý I-2023, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý 56 vụ/102 đối tượng có hành vi khai thác cát, vận chuyển cát trái phép, xử lý vi phạm hành chính 37 vụ/54 đối tượng, với tổng số tiền 4,309 tỷ đồng; khởi tố 1 vụ/1 bị can; đang điều tra 2 vụ/2 đối tượng có dấu hiệu về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại khoản 1, Điều 227, Bộ luật Hình sự.

 

Xử lý dứt điểm các tụ điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác cát trái phép, có hình thức đề xuất kiểm điểm trách nhiệm thủ trưởng đơn vị, trưởng Công an cấp huyện để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an.

Lực lượng Công an xác định rõ đối tượng, lập danh sách các chủ phương tiện tham gia hoạt động khai thác cát trên địa bàn để xác lập hiềm nghi, chuyên án đấu tranh triệt phá, bắt giữ đường dây, băng nhóm, đặc biệt là đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các Tổ Công tác liên ngành tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền và các tuyến sông thuộc địa bàn phụ trách, nhất là các vị trí trọng điểm, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Song song đó, ngành dọc địa phương tăng cường phối hợp đấu tranh tội phạm này ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã có những kiến nghị và giải pháp đối với các sở, ban, ngành nhằm triệt xóa tội phạm về khai thác cát trái phép. Cụ thể, Công an tỉnh kiến nghị Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra nguồn gốc đầu vào cát san lấp phục vụ những công trình trọng điểm của tỉnh, huyện, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc tiêu thụ cát san lấp không rõ nguồn gốc, cát do hoạt động khai thác trái phép.

Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không rõ nguồn gốc hợp pháp.

Đối với Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng, chi cục Thuế trực thuộc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh cát san lấp, kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo quy định.

Đặc biệt, Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (cụ thể kiến nghị sửa đổi Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bỏ cụm từ “Sử dụng trái phép” để có căn cứ xử lý theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm hành chính).

HOÀNG ANH

.
.
.