Thứ Bảy, 30/03/2024, 13:27 (GMT+7)
.

Gia tăng lừa đảo trực tuyến: Mất cảnh giác là... mất tiền

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, không ít người đã trở thành nạn nhân, bị mất những khoản tiền lớn.

Để đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, thực tế cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì không thể thiếu ý thức cảnh giác, sự hiểu biết của mỗi người dân.

Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng

Buổi sáng một ngày cuối tháng 3, chị VMH ở phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0827795241 của một người tự xưng là cán bộ công an phường Khai Quang. Sau khi thông báo tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của chị VMH bị trục trặc, đối tượng yêu cầu chị gọi vào số điện thoại 0966783528, gặp “chị Hà, cán bộ phụ trách” để tìm hiểu, giải quyết. Do cách đây vài hôm có đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc để làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 nên chị VMH không chút nghi ngờ khi được thông báo tài khoản định danh của mình bị trục trặc.

Sau khi liên lạc, kết bạn Zalo với “chị Hà”, chị VMH được đối tượng hướng dẫn khắc phục thông qua điện thoại. Để tạo lòng tin, đối tượng luôn miệng mong chị VMH thông cảm, phối hợp vì “cấp trên đang yêu cầu phải hoàn thành việc đăng ký định danh điện tử mức độ 2 cho công dân trong phường”. Theo hướng dẫn của “chị Hà”, chị VMH đã truy cập vào địa chỉ: hanhchinhcong.dulieuquocgia.com để tải ứng dụng (app) VneID và khai báo một số thông tin, đồng thời dùng tài khoản ngân hàng để chuyển 12.000 đồng “phí giao dịch”...

Thế nhưng, chỉ một lúc sau, toàn bộ số tiền gần 20 triệu đồng trong tài khoản của chị VMH đã biến mất, lúc này, chị VMH mới biết mình bị lừa, địa chỉ: hanhchinhcong.dulieuquocgia.com và ứng dụng VneID mà chị đã cài đặt là giả mạo. Chia sẻ vụ việc qua nhóm Zalo bạn bè, đồng nghiệp, chị VMH được một số người bạn cho biết mình cũng đã bị lừa với thủ đoạn tương tự, gần đây nhất là dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, một người bạn của chị đã bị lừa mất gần 200 triệu đồng...

Chị VMH nhắn tin tới đầu số 156 để thông báo về các số điện thoại lừa đảo.
Chị VMH nhắn tin tới đầu số 156 để thông báo về các số điện thoại lừa đảo.

Tình trạng lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước. Về số tiền bị thiệt hại, theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên không gian mạng là khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền thiệt hại còn lớn hơn nhiều vì không ít vụ việc người dân không đến cơ quan công an trình báo.

Nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác

Một điều rất đáng nói là thời gian qua, mặc dù nhiều người đã sập bẫy lừa đảo với số tiền lớn, các cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông cũng liên tục cảnh báo nhưng vẫn liên tiếp xuất hiện nạn nhân mới. Nhìn lại vụ việc của chị VMH cũng như nhiều nạn nhân khác, thực ra đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, đã được cảnh báo nhiều lần.

Theo đó, các đối tượng xấu giả danh cán bộ công an, cán bộ cơ quan thuế, điện lực... gọi điện thoại, kết bạn Zalo, cung cấp địa chỉ, đường link rồi dụ dỗ người dân cài đặt các app giả mạo để “hướng dẫn” công việc, khiến điện thoại bị nhiễm mã độc, từ đó, bọn chúng có thể theo dõi và kiểm soát điện thoại của nạn nhân từ xa rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng... Điều này cho thấy, ý thức cảnh giác, sự hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo của nhiều người dân còn hạn chế.

Trước thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến, bên cạnh việc quyết liệt đấu tranh của lực lượng chức năng thì ý thức cảnh giác, sự hiểu biết của người dân là rất quan trọng, có vai trò như “chốt chặn” cuối cùng. Bởi vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, nắm được những vấn đề cơ bản như không có việc các cơ quan hành chính nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án... giải quyết thủ tục hành chính hay làm việc qua điện thoại, mạng xã hội; không nên tải app từ các đường link, trang web không tin cậy để tránh app giả, mã độc (nên tải app từ chợ ứng dụng CH Play đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, từ App store với điện thoại hệ điều hành iOS...).

Mỗi người cũng cần có ý thức tìm hiểu để nâng cao hiểu biết, có thể nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, nhất là các thủ đoạn lừa đảo đã từng xảy ra; cảnh giác trước các cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Khi phát hiện các số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, cần kịp thời gọi điện hoặc nhắn tin (miễn phí) theo cú pháp: LD [số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo] [nội dung lừa đảo] gửi 156 để các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.